Ánh Sáng Sau Lưng
Nhìn vào ánh sáng, ta thấy gì. Thấy được nhiều hoặc không thấy gì cả. Đó là thứ được ban cho nhân loại để nhìn thấy mọi thứ trên đời. Tuy nhiên, bên trong chứa đựng điều gì thì chúng ta khó mà trả lời được. Nó không phải vật rắn chắc, không lỏng, không phải không khí, vậy nó ở dạng gì, chắc chỉ có đấng tối cao nào đó biết thôi. Trên đời cũng vậy, có những điều không thể thiếu nhưng điều gì làm nên cái sự ấy thì rất ít người biết hoặc thậm chí là lơ đi.
Hôm nay thật tuyệt vời, ngày trường tôi có dịp ghé thăm bảo tàng chiến tích chiến tranh nhân ngày thương binh liệt sĩ. Không khí háo hức như một buổi dã ngoại thay đổi môi trường học hỏi cho học sinh khi tiếp cận với lịch sử và những con số mà nó để lại. Từng đợt xe chạy tấp vào sân bảo tàng, những chiếc áo trắng tinh khôi xếp hàng lần lượt đang nối nhau đi vào khu vực trưng bày, được chiêm ngưỡng những hiện vật, đọc thông tin gắn liền với những món vật ấy. Dù cho là những chiếc áo vải sờn vai, bạc màu, mũ xanh màu lá còn vương những mảnh rách do đạn xẹt ngang, chiếc áo choàng ngụy trang của quân đội trong nhiều trận du kích. Nhưng từ đó tôi cảm nhận được những thứ đơn sơ đó đã làm nên một cuộc sống bình yên, biết đâu chừng người đã từng khoác lên mình những thứ ấy đã nằm yên dưới lòng đất rồi. Họ cũng không hưởng được không khí tự do, độc lập đang nằm trong phổi của chúng tôi. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, ở một cõi linh hồn nào đó, họ cũng có một chỗ đứng rạch ròi cho những người đã sống bình tâm, chết giản dị, sống quật cường, chết vinh quang.
Sau khi tham quan một vòng bảo tàng, chúng tôi có dịp được ngồi nghe thuyết minh về lịch sử chống xâm lược của dân tộc và có dịp gặp gỡ với những thương binh, một người chỉ còn một cánh tay, một người chỉ còn một mắt. Nhìn ngoại hình của hai ông lão chân tay có chút run nhẹ trong mỗi động tác, giọng nói có âm vực rất thấp, ồm ồm, khàn khan nhưng mỗi lần kể chuyện hai ông đều phát ra lời nói rất to, bằng nội lực bên trong và cả sự tự hào. Hình như có nhiều người đang bàn tán về ngoại hình của hai ông, tôi nghe rằng đó không phải là lời tích cực:
- Tay ông cụ cụt đến tay áo cứ lơ quơ khi gió thổi đến, không biết áo có dễ bị tuột không nữa.
- Nếu không có đủ hai tay thì làm sao làm được những việc cần hai tay để làm ha bây. Nếu là tao mặc quần áo hay ăn cơm bằng một tay cũng khó khăn rồi. Hay phải cần người phục vụ tận tụy kế bên.
- Bị vậy rồi sao lấy vợ, tao là không lấy chồng “thiếu phụ tùng” rồi đó. – Lời của một bạn nữ nào đó.
- Làm bộ đội làm gì rồi bị “sứt mẻ” hết, như nhà tao nè, chiến tranh có ai đi chiến đấu đâu. Đến thời bình yên cũng còn đầy đủ người, sống an yên, giàu có. – Không biết cậu bạn này có nhận thức đúng hay không, thậm chí gia đình người nói ra câu này phải chăng chưa có lời dạy nào. Hoặc họ cũng lệch lạc từ quá khứ rồi.
- Nói chung là giờ hai ông già này còn sống bao lâu nữa đâu. Cứ ở đây nói chuyện quá khứ, thời nào người đó lo, đâu có mượn nhắc lại, có đi học thì biết rồi. – Tôi tin là bạn đã học lịch sử, nhưng có nhiều điều bạn chưa học được, chưa học được sự xót thương, thông cảm, thấu hiểu cho điều trước mắt.
Cả bọn cứ thì thầm sau lưng tôi rồi cười đùa, phiền phức và gây khó chịu. Trong khi cũng còn nhiều người muốn lắng nghe. Một mũi tên đi xuống từ trong nhận thức luôn là điều đáng phải để tâm, nhưng chẳng ai để tâm hoặc hùa theo cái sai nên thành ra chẳng ai buồn sửa lỗi nữa. Cũng chẳng ai dám đem đổi thời gian quý báu của mình để giải thích cặn kẽ rằng cái gốc rễ của cái sai ấy từ đâu mà nên. Khi cái phong bại nó dần lấn ác đi cái thuần khiết thì không còn chỗ lỗ hỏng nào có thể chữa được nữa. Sự suy đồi luôn sinh sôi trong nhiều hoàn cảnh, nhiều phương diện khác nhau mà chẳng có tí bất lợi nào. Nó làm thỏa mãn những nhu cầu tục tĩu, mua vui cho các bạn trẻ khi đem ra bán bổ, bôi nhọ. Để đến lúc một trong những điều mà ta xem là trò cười lại là điều làm đạo đức của chính mình sụp hầm thì chả ai cứu nỗi, vì biết bao nhiêu người cũng ở hoàn cảnh tương tự mà thôi.
Đến khi buổi gặp gỡ với hai ông cụ kết thúc, tôi đã âm thầm đến gần hai ông để được xin một cái bắt tay kính cẩn, tôi luôn nghiêng mình với người lớn, luôn cúi đầu trước sự cao cả và luôn khắc trong tâm những cuộc đời đẹp của đất nước tôi. Tôi được sờ vào hai vị anh hùng còn sót lại từ những năm tháng đau thương mà không chút ngần ngại thành kiến, dù cho bao ánh mắt dè bĩu tôi vẫn đang tập trung vào chỗ tôi đang thể hiện lòng mình với hai người thương binh. Thử nghĩ nếu họ cũng như tôi thì tương lai sẽ còn rạng rỡ và tuyệt vời biết bao. Nếu cho tôi là một ngọn đèn cầy thì ngọn lửa mang theo ánh sáng bên trong tôi chỉ tắt khi tôi lìa đời, tôi cam đoan thế và mãi mãi vẫn không thay đổi.
Chúng tôi tạm biệt bảo tàng bằng một hàng ngũ chuẩn bị hát vang quốc ca. Quần áo chỉnh tề được căn chỉnh lại sao cho ngay ngắn nhất có thể. Tôi đã sẵn sàng nhìn vào lá cờ đang phất cao trên cột kia, người sáng ngôi sao màu vàng trong nền đỏ, nhìn vào nó, lòng tôi cứ lâng lâng như đang đặt mình vào tâm trạng một người dân nào đó vừa bước ra sau một trận chiến khốc liệt để kết thúc những đau thương. Tôi ngẩng cao đầu chuẩn bị hát vang lên bài ca tự hào tổ quốc. Thì tôi lại nghe được âm thanh rì rào:
- Nắng quá còn chưa cho về, phải ở đây hát quốc ca.
- Chuẩn bị lại một bài ca phát lên mỗi buổi sáng thứ hai buồn ngủ đây.
- Tao còn không nhớ hết lời đây.
- Hành xác quá trời!
- Thôi tranh thủ lẹ đi còn đi về, tao sắp trễ hẹn đi coi phim với bồ rồi.
- Thôi kệ đi, nhạc nào cũng được, chuẩn bị quẩy theo nhạc thôi. Nếu remix lại thì càng tốt.
Tôi không quan tâm đến lũ ấy nữa, đến giây phút này chẳng còn ai quan tâm đến cái sự mục nát trong tư duy của bọn đồng trang lứa. Lời nói đó thì để cho sự phẫn nộ của dân tình yêu nước phán cho. Cái mà tụi nó coi là chán, là hành xác thì cứ mặc. Bởi có bắt ép thì chả ai bắt ép một người phải yêu nước, đáng lẽ ra nó phải nằm trong máu, trong ý thức chứ không phải cần giác ngộ hay cảnh tĩnh. Những điều hiển nhiên trên đời cũng chẳng ai phải bảo ai làm theo. Mà càng trưởng thành, càng tiếp xúc với nhiều tư tưởng rách rưới ngoài kia thì cái sự hiển nhiên của nhân loại trở thành cổ hủ khi nào không hay. Trong khi những điều tưởng chừng như mới mẻ đó nó cũng khiến cho bề mặt của xã hội dần mất mát đi những điều tốt đẹp, tuổi trẻ là thế, nhiều người còn sa ngã quá, từ trong suy nghĩ, tư duy chứ chưa nói đến cái lối sống thiếu lành mạnh, phản khoa học. Tôi cũng không tưởng tượng nổi, khi nhạc cất lên bọn họ có dám hát thành tiếng với quốc ca của mình hay không, hay chỉ ngọ ngoạy miệng cho có, tay còn quơ qua lại, chân không khép, thậm chí còn cười giỡn, chọc ghẹo nhau. Đủ thứ trên đời vẫn có thể diễn ra không ngoại trừ giây phút trang nghiêm nào cả.
Rồi khi tiến nhạc cất lên, tôi vẫn như mọi khi, chân hình chữ V, tay khép sát vào đùi, mắt hướng về quốc kỳ, miệng hát thành lời đến hết bài. Tuy nắng, tuy mồ hôi nhễ nhại cũng kệ, có bao nhiêu lần được cùng thương binh chào cờ đâu chứ. Khi nhìn qua hai cụ cựu chiến binh kia, tôi vẫn thấy hai người mắt vẫn còn hướng về lá cờ, mắt rưng rưng, rồi liếc mắt xuống nhìn những bóng áo trắng vừa thực hiện xong nghi thức chào cờ. Tôi nghĩ, sự xúc động của người cảm nhận rõ ràng được thế nào là hòa bình, hạnh phúc là những người đang mặc quân phục thiếu đi cánh tay và con mắt kia. Họ có thể thiếu đi một bộ phận cơ thể nhưng không thể thiếu đi trái tim tha thiết vẫn đỏ máu, dòng máu của anh hùng. Tôi ước rằng thà họ không biết được đứng ngoài sân vẫn còn nhiều người lành lặn, đầy đủ mà trái tim đã chảy dòng máu ngoại lai hệ quả của tư tưởng thời bình đến từ những lối nghĩ được truyền tải rộng khắp và tràn lan trên mạng xã hội và đi dần đến sự suy đồi đạo đức.
Khi lên xe ra về, tôi vẫn không ngừng ngoáy lại nhìn bảo tàng và hai ông cụ đang lụm khụm dắt chiếc xe cũ kĩ ra khỏi cổng bảo tàng. Trong lòng tôi có điều gì đó cứ ray rứt mãi, cứ động đậy mãi. Tôi chưa làm được gì để những người còn sót lại sau nhiều cuộc chiến cảm thấy yên tâm với thế hệ trẻ, ngược lại họ đã hy sinh cả phần đời còn lại của mình để nhìn thấy đất nước đang ngày càng thay đổi. Các bạn trẻ như tôi, họ muốn đi đến cái tân của thời đại, họ luôn hướng mặt về trước, họ luôn muốn leo thang đi sánh với lối sống của thế giới. Nhưng những người ấy, chưa bao giờ quay đầu lại, chiếc bóng của họ vẫn nằm trước mặt, họ chỉ muốn chạy càng xa để thoát khỏi chiếc bóng đen đúa, xấu xí mà ánh sáng sau lưng đang cố soi rọi đường đi trước mắt. Nhưng thứ ánh sáng đó lại là mặt trời sau lưng, nếu ta sống vừa có thể nhìn về quá khứ để trân trọng, biết ơn của những bài học và hướng về tương lai bằng những bước đi vững vàng, cho dù đi đến đâu thì ánh sáng ấy sẽ không biến mất.
Chức năng bình luận chỉ dành cho độc giả đã xác minh tài khoản.
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập ngay.