Cầu Cho Cha Đừng Chết
Ở một khu phố xá đông đúc, người người đang nô nức lướt qua nhau dưới những ánh đèn xanh đỏ của đô thị hoa lệ. Thành phố xa hoa không ai lại không cảm thấy mình tự hào khi diện trên mình một bộ đồ đẹp để làm dáng lượn lờ trên phố phường. Ai cũng thế thôi, đều muốn mang lên mình những thứ tốt nhất, giá trị nhất, đắt đỏ nhất, không phải vì để cho người ta thấy được cái bề ngoài theo kịp thời mà là đang bảo đảm rằng mình không phải là một vật lạ trên phố. Tất cả những điều đó là hiển nhiên, nhưng là đối với người có tiền.
Trọng vừa mới bị đuổi việc, đang rầu rỉ bước từng bước trên hè. Nhưng có gì đáng phải buồn đâu, anh ta bị sa thải vì tội thục két. Làm công ăn lương hằng tháng kiếm đủ hai miệng ăn ở nhà mà lo mơ mộng cao xa tới những thứ xa xỉ. Con người ta giàu có thì con cái đua đòi còn được ban cho, còn đối với người như Trọng thì lấy đâu ra có gia cảnh ao ước mà đua với chả đòi. Bụng đã đói lã, tiền thì hết sạch để no nê cho cái thói làm ít mà muốn ăn nhiều. Trên đường về nhà thì anh bị chặn lại bởi một ông già ăn xin. Đương nhiên là rách rưới, trên người rất nhiều vết bẩn, đi đứng như có ai cột tạ vào hai chân mà cứ chầm chậm đi trong rã rời.
– Cậu ơi cho tôi xin vài nghìn ăn cơm.
Kết thúc câu nói ấy Trọng chỉ đáp lại bằng cái nhếch mép khinh bỉ. Suy nghĩ trong anh ta rằng đây cũng chỉ là những người có quá khứ ăn chơi cho tiêu tốn hết tiền bạc rồi về già lại ăn xin hoặc do không may sinh ra những đứa con bất hiếu bỏ bê cha mẹ mình. Nếu tỏ ra thườn cảm thì giàu rồi hẳn thương cảm còn người như Trọng ăn còn chưa biết ăn gì thì lấy gì mà giúp. Nhưng nếu đáp lại bằng một câu nói nhẹ nhàng thì coi như hắn vẫn còn có giá trị trong đời sống, nhưng nếu đã tỏ ra khinh bỉ người có hoàn cảnh kém hơn mình thì cũng khó để trời cho hắn miếng ăn. Sự sang giàu không thể quyết định được giá trị cuộc sống nhưng ứng xử thì có.
Trọng đá vu vơ một cái lon sữa lăn lóc ở trước mặt rồi bỏ đi về nhà. Vừa về hắn vừa nghĩ rằng nếu như một người đã muốn ăn xin thì bên ngoài nhìn phải thật tệ hại, ăn không no nói không nổi, chân tay không cử động được chực chờ người tới đưa thức ăn đến tận miệng hoặc càng đáng thương sẽ càng được nhiều tiền. Con người cứ càng tỏ ra là mình đáng thương thì đương nhiên sẽ nhận được lòng thương, xã hội hiện đại có rất nhiều người đáng thương sinh ra nghi ngờ nhưng nếu đã cố tình đáng thương đến mức cùng cực thì cũng chả ai còn khả năng lựa chọn có nên nghi ngờ hay không.
Về đến cửa nhà, Trọng đã nghe tiếng ho hù hụ trong buồng của người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà. Cha Trọng đã bệnh nhiều hôm, trước còn làm thợ hồ nhận xây nhà, càng ngày càng già càng bệnh, đến nay đã không còn vận động mạnh nổi nữa. Trọng làm không ra tiền, không mua thuốc được cho cha. Có tiền cũng chưa chắc mua, may ra hai bữa cơm ở nhà thì còn sơ sài cho có. Lắm tật thì khó mà nhiều tiền. Cha Trọng lọng khọng đi ra, tay còn nắm lại đấm nhẹ vào lưng vài cái than nhức mỏi:
– Về rồi hả con? Hôm nay lãnh lương đúng không?
– Cha gặp con là hỏi tới tiền. Bị người ta đuổi việc rồi lấy đâu ra tiền.
– Nghỉ việc đáng nhẽ phải trả lương rồi mới cho nghỉ chứ! Mày không dám nói với người ta à. Hợp đồng lao động có rõ ràng mà.
– Thục két bị bắt thì lấy chó gì mà nó cho lãnh lương. Cha lên nói người ta thêm cho mang nhục. Ngày mai tui đi tìm việc khác tui làm.
– Đến khi nào mày mới nghĩ ra được phải làm ăn lương thiện hả?
– Tui đi làm công ăn lương thì sao mà không lương thiện? Tui có buôn lậu hay chăn dắt mấy con chân dài, hay bán ma túy cho mấy thằng nghiện đâu hả? Chẳng qua làm ít tiền thì lấy một vố rồi nghỉ cho nó đã cái đời. Người ta giàu bỏ bố ra, xe hơi ba bốn chiếc. Hay cha tiếc tiền giùm nhà giàu?
– Hết nói nổi mày. Tao bệnh cũng không muốn uống vô mấy thứ tiền đó của mày. Tao nghèo xưa giờ cũng chưa ăn đồ bất lương, uống đồ bất chính.
– Hay giờ cha giả bệnh nặng hơn tui dắt ba đi ăn xin – Trọng nãy ra cái ý nghĩ thật tinh ranh. Tinh đến nỗi có thể bị tát vào mặt vài cái bất cứ lúc nào.
– Mày không còn xài được nữa rồi. Hư thân, hư não hết rồi. Tao còn chút sức già thì làm gì cũng được nhưng nhất quyết không ngửa tay xin tiền.
– Đừng có sĩ nữa. Ngày mai tui với cha không có tiền ăn… Bệnh của ông là bệnh sĩ đó.
– Bỏ sĩ diện mà chính đáng thì bỏ, bỏ sĩ diện để mình tự thân biến mình thành phế nhân thì bỏ làm gì?… Tao không nói với mày nữa. – Nói xong ông bỏ đi một mạch vào buồng nằm xuống phảng nghe cót két rất lớn.
Nhìn cha đi khuất rồi Trọng mới hậm hực, giá mà cha hắn cũng còn giá trị kinh tế nào cho nhà này thì hắn ta cũng sẵn sàng làm cho việc đó xảy ra. Nhớ hôm được hội người cao tuổi quyên góp tiền để cha Trọng đi bệnh viện, ông được chẩn đoán là bị viêm phổi nặng và cao huyết áp, nếu vận động nặng nhiều rất dễ đột quỵ. Nên về nhà ông ấy cũng sợ quá mà không đi làm, chắc có lẽ là sợ chết, nhưng vì sao không dám chết. Đời này còn lưu luyến gì, sống không tiền, không vui vẻ, cô đơn vậy thì sống làm gì.
Trọng đều nhìn ra được những bất hạnh của cuộc đời của hắn và cha. Nhưng nếu nhìn từ góc nhìn của một con người hiếu thảo thì đương nhiên rằng một người con sẽ luôn biết cách để làm cha mẹ mình vui vẻ sống mà không cần làm ra quá nhiều tiền. Bỏ sĩ diện mà cứ lén lút trộm cắp của người khác cũng chỉ để có nhiều tiền đánh quần đánh áo để nuôi lại cái sĩ diện, giống như việc chặt một cái cây rồi ngay tại chỗ đó lại trồng một cái cây khác thì đến khi nào mới có một khu rừng. Chả trách Trọng chẳng nhìn vào cái tốt mà học hỏi mà lại thích lêu lỏng, thích nhận lại nhiều hơn là cho đi. Người giàu không được giáo dục thì thường sẽ xa đọa, ăn chơi, tiêu tốn cho những trò vui khác người và hoang dã, còn người nghèo mà không được giáo dục thì luôn nghĩ ra nhiều phương cách bất nhân dần để kiếm tiền. Hắn chỉ mãi suy nghĩ cách nào để làm ít mà có nhiều tiền rồi quên đi cái đạo của một người, nhân đạo và hiếu đạo.
Đến nửa đêm tiếng ho của cha Trọng lại càng ngày càng tăng năng suất, lưng không nệm lấy gì mà ấm mà không nhiễm hàn mà không lạnh phổi. Trọng nghe nhưng cũng mặc kệ, uống ly nước vô cho đỡ khô cổ họng là đỡ ngay thôi. Nhưng đêm hôm nay ho rất dữ, ho như sắp trào cả cục tức ban nãy ra ngoài. Trọng cảm thấy thế cũng thòng hai chân xuống võng nhưng nghe được tiếng cót két như cha hắn đang leo xuống phảng. Chắc không sao, nhưng nếu có sao thì cũng tốt, Trọng đang bí bách lắm mới nghĩ được cách ăn xin cùng cha già bệnh tật để kiếm tiền. Nghĩ đến đây Trọng mới cầu mong rằng cha hắn bệnh càng nặng càng tốt, càng không còn sức chửi hắn, không có sức phản kháng hắn, chỉ cần ho mãi, ho xong rồi thở dài mãi là được, không chết là được. Chắc có lẽ Trọng có hiếu đến thế là cùng.
Tiếng bước chân nặng nề vang trên nền nhà mà Trọng cũng bất động, tiếng nước róc rách trong đêm kèm với tiếng ho tạo nên khúc hòa tấu mà Trọng thích nghe, nghe càng nhiều càng tốt. Bỗng một liên khúc tan vỡ vang lên, tiếng beng lớn của một vật thủy tinh vừa rơi, tiếng một người ngã bịch xuống đất, tiếng cái bàn bị tác động lật ầm. Có lẽ đó sẽ là cao trào cho Trọng nhắm mắt, lắng tai nghe và đoán diễn biến đang xảy ra. Nếu bật dậy ngay thì không phải như dự định của một người đầy toan tính. Hình như cơn đột quỵ được báo trước đã đến, nhưng nếu cấp cứu kịp thời thì không nguy hiểm và người ta vẫn có thể bình phục. Chỉ khi người thân phát hiện không kịp thì người bệnh mới phải lìa đời. Ở đây thì Trọng còn thức còn biết chuyện gì đang xảy ra thì sao mà không kịp. Hắn chờ khi những tiếng động lắng hết mới bước chậm rãi vào chỗ cha hắn. Đồ vật trên bàn nằm ngổn ngang dưới đất từ lâu, ly nước cũng vỡ nhiều mảnh văng tứ tung xung quanh chỗ cha Trọng nằm sấp măt xuống đất, mắt trợn lên đã nửa tròng đen, miệng méo qua một bên.
Tiếng xe cấp cứu vang vọng trong đêm chạy thẳng đến cổng bệnh viện, trước phòng cấp cứu nhận được tin từ bác sĩ tình trạng của cha Trọng rất nguy kịch nên họ sẽ cố gắng hết sức cứu chữa. Trọng bỗng bần thần, tay chân run rẩy, đôi mắt ứa lệ cũng như bao thân nhân của người vào phòng cấp cứu:
– Xin hãy cứu lấy cha tui, hãy giữ lại sự sống cho ông ấy. Tui rất cần cha tui sống với tui, dù cho có ra sao, hậu quả như thế nào cũng hãy để ông ấy không chết… Bác sĩ hãy cứu lấy ông ấy.
Cái biểu hiện của thực tế là đúng như thế, đúng như những cảnh tượng thường xuyên diễn ra trong bệnh viện. Nhưng những điều còn đáng là nỗi buồn là cái nằm trong đầu của cái người nắm tay cầu xin bác sĩ. Suy nghĩ của những con người ấy mới là cái đáng để tâm, chỉ tiếc là nó không nằm rõ sờ sờ ra người đời nhìn thấy mà thôi. Cùng lúc đó cũng có một ca cấp cứu đột quỵ nữa được đưa vào, theo sau băng ca là rất nhiều người, cũng nắm tay cầu xin bác sĩ, than khóc, nức nở đến mức quỵ xuống đất, nhưng sau khi bác sĩ đã chạy gấp vào phòng cấp cứu thì họ lau nước mắt:
– Ổng chết rồi thì tài sản sao đây? Chưa có di chúc gì cả, cũng không nói là sẽ chia bao nhiêu? Cho ai? Chia theo pháp luật thì đồng đều ai cũng như ai thì sao công bằng. Tôi nuôi ông ấy, việc gì tôi cũng làm, thuê người chăm sóc, ngày ngày cho ăn toàn đồ bổ. Chia đều coi như lỗ à.
– Tôi vừa đóng viện phí rồi! Chú út à, nhỡ có chuyện thì cũng nhớ đến phần này của tôi đó. Còn anh hai chưa thấy có mặt thì sau trừ tiền chia của ra luôn cho ông ấy một thể, không có hiếu như thế cũng không nên hưởng phần nhiều. Trước mắt là phải lo lót tiền cho họ giúp ba mình còn sống để ông thấy được đứa con gái có hiếu này lo cho ông ấy thế nào mà ưu tiên dành phần nhiều so với hai thằng con trai núp bóng vợ.
– Chị ba nói thiệt hay. Tôi làm út, sang út nhờ nghèo út chịu đây nè. Sao lúc phân công nuôi chị không giành mà nuôi giờ lại nói như chị cao cả quá vậy. Ở đây mà linh thiêng thì chứng cho chị cái khả năng rơi nước mắt nhanh như cách chị hay sụt sùi xin tiền cha xưa nay để cho thằng chồng bất tài chị phá sản nhiều lần. Giờ có chút viện phí tiền chị hốt hụi ra cũng đòi tính toán với tôi.
Trọng nghe đến đó cũng đủ thấy rằng hoàn cảnh của họ không đáng cho một người như anh để tâm. Cũng chỉ là tranh nhau tài sản của người cha giàu để lại cho đủ phần mà họ muốn, cũng là toan tính cả thôi. Giàu hay nghèo gì thì cuối cùng cũng chỉ nghỉ cho lợi ích bản thân mình. Nhưng nghe đến viện phí thì Trọng mới hoảng, tiền không một xu dính túi thì lấy gì mà đóng, bọn nhà giàu có lo lót nhỡ đâu cứu cha bọn nó mà không cứu cha mình thì khổ. Lo cho ông ấy phải sống chứ, ông ấy chết thì tiền có kiếm cũng tang ma, lo hậu sự cả lấy đâu ra mà ăn với chả xài. Chết nỗi cũng may mà nhớ đến cái hội người cao tuổi nên gọi mà khóc cho họ giúp.
Một hồi sau khi được hội người cao tuổi hứa quyên góp giúp một phần viện phí thì Trọng yên tâm bước vào trong những người con nhà giàu đang chí chóe với nhau. Trọng lúc này cũng lo lắng, vò đầu bứt tóc rồi chắp tay lại nhắm mắt mà cầu cho cha đừng chết, thành tâm thật lòng cầu cho cha hắn phải còn sống.
Cửa phòng cấp cứu mở ra làm không gian của thân nhân bệnh nhân bên ngoài lặng im, bác sĩ tháo bỏ khẩu trang thở một hơi thật mạnh rồi nói: “Hai bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch!”. Ai cũng mừng như muốn đốt pháo ở bệnh viện, hai người lúc nãy còn gây nhau giờ lại chị chị em em mà đẩy băng ca của cha họ vào phòng hồi sức. Trọng thì vui mừng nhảy lên như hắn vừa trúng được tờ vé số độc đắc, như mọi lo lắng trong lòng hắn đã trút bỏ, như không còn những gì để ái ngại về việc cha hắn phải sống, sống thì Trọng mới còn động lực kiếm tiền, mới còn động lực mà cười vui cảm ơn bác sĩ rối rít. Vừa đẩy băng ca cha mình vào phòng hồi sức vừa mừng rỡ mà reo liên tục ầm cả bệnh viện: “Cha tôi không chết! Cha tôi còn sống!”. Người ngoài nhìn vào cũng mỉm cười dù đó là hành động phá vỡ đi bầu không khí tĩnh lặng của bệnh viện.
Hinh ảnh người con bỏ đi sĩ diện đẩy cha mình bệnh tật trên mọi ngõ phố để xin từng đồng từng cắc đã làm nhiều người rung động. Làm nhiều nhà hảo tâm phải chú ý và giúp đỡ, họ tin chắc rằng đây là một việc chính đáng về danh nghĩa mà không có chút lừa lọc nào. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu, đời sống diễn biến của cha con Trọng còn hơn cả những hành vi lừa đảo tinh vi. Vì thực tế đúng là không có gì đáng nói về hình ảnh đúng như những hoàn cảnh đáng thương phải hành khất, chỉ có là một người còn muốn sống, người thì chết còn sướng hơn sống. Hay chỉ vì đồng tiền và kế mưu sinh mà tình cảnh bắt người ta phải làm những điều kiếm nhiều tiền đúng với hoàn cảnh.
Mỗi đêm Trọng đẩy xe lăn đưa cha về nhà đều ghé mua cho ông những đồ ăn thật ngon rồi vừa đẩy ông trên con ngõ vào nhà và nói: “Tôi yêu cha! Cha đừng chết sớm bỏ tui nha!”. Cha Trọng không nói được, không cười nổi nữa do di chứng của đột quỵ nhưng nỗi đau trên người ông thấm thía gì với cái khát vọng chết của ông ở trong lòng.
Chức năng bình luận chỉ dành cho độc giả đã xác minh tài khoản.
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập ngay.