Chàng Nguyệt

Lượt xem: 5
2025 năm trước
Bạn có thể sử dụng mũi tên trên bàn phím để qua chương
Cấu hình
Báo cáo
Lưu truyện

-Chàng Nguyệt-

Tác giả: Tran Pham

Tí tách mưa rơi thành dòng, nương theo làn gió nhiễu giọt trên mái hiên. Mọi năm, thần tiên trên cung trăng đều rôm rả đón Tết, người kết mai đan duyên, người tết đào se phận, nguyện lòng mong sao cho mọi kiếp tình trên nhân gian đều có thể bách niên giai lão, đón thọ trăm năm. Năm nay chẳng hiểu vì nguyên cớ gì, Nguyệt Lão, người đáng ra nên hởi dạ nhất, lại trông có vẻ trầm lắng hơn xưa.

Nhắc đến giai thoại Nguyệt Lão, đa số mọi người sẽ nghĩ ngay đến lão già râu tóc bạc phơ, bước đi thanh tao thoát tục. Ấy mà không, trái với đồn đoán, thay vì gọi là Nguyệt Lão, người trên cung đình thường gọi “lão nhân” đấy là “chàng” hơn. Bởi lẽ, câu hát ngâm mình trong tình trường dài đằng đẵng của chàng đã minh chứng cho con người chàng, rằng chàng là một kẻ mỹ miều hơn ai hết.

“Trung hoa cổ đại, Phan An đứng đầu

Chiến trường tàn khốc, ai bằng Lăng Vương

Ngụy Tấn nhân thời, ngọc ngà Vương Giới

Cửu Biện kiệt tác, Tống Ngọc đề tên

Nhân gian ấy gọi tứ tài

Là hoa khoe sắc

Là người cõi trên.“

Chàng Nguyệt khe khẽ mỉm cười; một cái liếc mắt, trăm hoa cúi đầu.

Cứ cách một thiên niên kỷ, chàng Nguyệt sẽ luân hồi một lần, mỗi lần tuổi thọ rơi vào khoảng tròn trăm là lớn nhất. Ở mỗi kiếp, chàng đều trải qua ái tình, nồng đượm nhất có thể xem là ở kiếp thứ tám, khi chàng là đệ nhất tai ương, xứng danh Hồng Hoa kỳ nữ. Chàng đã kết mối duyên đẫm lệ cùng thừa tướng đương triều, người mà chàng thương yêu gọi là bảo bối.

Bảo bối của chàng cao ráo, cả thân thể toát lên khí chất thâm trầm từng trải, mặt mũi thanh tú ưa nhìn, nếu không phải là hạc con từ trong trứng, chỉ bằng khuôn mặt, cũng có thể kiếm cơm bằng nghề kỹ nam.

Sống ở nơi thâm cung ngục tối, lớn lên nhờ nọc độc lòng người, bảo bối đã học được cách treo trên môi nụ cười ngọt ngào, lời mật phát ra đều là tình giả đượm ý kể từ thuở ấu thơ. Song, chỉ đến lúc gặp Hồng Hoa –cô nàng cầm ca khó chiều của tửu lâu đầu ngõ kinh thành – y mới chân chính hiểu rõ hai chữ ngu ngốc được đặt bút viết ra sao.

Theo lẽ thường, mỹ nhân phải đi kèm với mỹ đức, hoặc ít nhất cũng tinh thông một hai cái đức gì đó. Nhưng bất ngờ thay, đối với Hồng Hoa, công dung không chỉ theo phượng hoàng bay về trời, mà ngôn hạnh cũng lúc lặn lúc ngoi. Nói nàng thuỳ mị, nàng lật tung cả kinh thành lên để cư xử bất tuân phép tắc. Khen nàng đoan trang, ngay khi son chưa nhoè trên khoé môi, nàng liền vội vàng xách tà chạy ra ngoài đường hóng hớt. Vừa hay tin nhà nào có vợ chồng ly tán, nàng vỗ đùi đen đét, tay xách nách mang cả trăm thứ đồ hỷ tới nhà người ta ăn mừng.

Nàng sống hệt như một đứa trẻ chưa trải sự đời, lông mi cong vút điểm xuyết con ngươi sáng trong. Mỉm cười một cái, Hồng Hoa có thể khiến nội tâm Vân thừa tướng rộn ràng những dấu yêu, nguyện vì nàng mà hái trăng trên trời, ngắt sao trên cành.

Trăm mưu y bày ra, khó lòng sánh bằng với ý nguyện cả đời chỉ cầu bình an của nàng. Hồng Hoa ngỗ nghịch, lúc nào cũng gây chuyện phá phách; song, ở phía sau nàng luôn có thừa tướng chống lưng. Y thương nàng đến ngưỡng hờn ghen ánh mắt, ngại ngùng má son, ngay cả một chút cảm xúc nhỏ nhặt cũng dễ dàng lộ ra trước mắt nàng. Hồng Hoa thương chàng, chỉ bởi một khắc vô tình dầm mưa được chàng trao ô, để lại nàng với bao nỗi bâng khuâng khó phai.

Ô trắng ngả màu nặng nề, từng giọt nước tròn trĩnh cứ theo tán ô vội rơi, rơi vào đáy mắt tể tướng màu của nắng ấm, vào tim nàng bóng hình của y. Gió lạnh rét sương, mây đen ngùn ngụt, bầu trời xám xịt, có Hồng Hoa và người nàng yêu.

Tựa như kiếp này, chỉ cần bấy nhiêu thôi, đã đủ bù đắp cho hàng vạn năm luân hồi.
Thừa tướng nhớ rõ khoảnh khắc tương ngộ, trời xanh lấm tấm mưa phùn, dưới sự dịu dàng của mây xám, nhẹ nhàng đan kết lại thành vô số tấm màng mỏng, bao phủ toàn bộ đất trời ẩm ướt. Thiếu nữ mặc hồng y đứng ngoài ngõ lớn, tay cầm xiên hồ lô đỏ rực, áo ngoài phong phanh đơn chiếc, để mặc tóc bay tùy ý, buông lơi trên gò má mềm.
Nam nhân bất giác dùng ô che cho nàng, sợ rằng cơn mưa kia sẽ thổi bay nàng đi.

Nữ nhân áo mũ chói mắt, trâm cài hững hờ, trong lòng bỗng chốc giấu một người thương.

Để tránh đêm dài lắm mộng, mỹ nhân nhanh nhảu mở lời: “Chẳng cầu gì hơn ngoài cao danh quý tánh của công tử, để dân nữ tiện bề trả ơn.”

Công tử nhà ai khóe môi vẽ ra ý cười, nhu tình lan rộng, báo hại tim gan thiếu nữ thổn thức không thôi.

“Tại hạ họ Vân, tên chỉ một chữ Phi.”

“Ý chỉ mây bay?” Vân Phi, Vân trong “mây”, Phi trong “nhanh như bay”.

“Đúng, là một đám mây bay vô danh vô phận, không nơi trở về.”

“Vậy thì hay quá, tên ta vừa hay có một chữ hoa. Tức là mây bay đã hoa đợi chờ.” Vừa dứt ý, thiếu nữ vừa hay thẹn thùng cúi đầu, son đỏ lan tận mang tai.

Thừa tướng bật cười, nước mắt ráo rít đuổi theo mưa phùn, thoáng chốc đã không còn vết tích gì.

Suy cho cùng chuyện cũ đã qua, mảnh trăng tàn trong đêm giao thừa cũng chỉ có thể một mình trải qua đêm dài, không ai kề cận. Có trách thì trách người ta mải mê ngắm pháo, bỏ quên vầng trăng đơn côi lẻ bóng.

“Thật buồn làm sao…” Nam tử lẩm bẩm, mặc kệ chúng tiên đã quây quần bên nhau. Dưới nhân giới, mọi người đã bắt đốt pháo, tiếng pháo nổ tưng bừng đón chào một năm mới sắp đến.

Ngón trỏ Nguyệt thần cong lên, dây tơ hồng bám víu ở ngưỡng cửa trần gian lần mò đậu lên da chàng, âu yếm bạch ngọc bằng tất cả những gì mình có. Chàng đưa mắt, ngó xuống hạ giới, thấy rõ một đôi nam nữ đang trao nhau câu thề hẹn ước, dưới trăng sáng, tình ý đượm buồn.

Hoa rơi có lá đợi chờ, còn chàng, mấy vạn năm ngồi đây tương tư, liệu rằng có ai trông?

Đã từng…

Đã từng có một người đội mưa cõng chàng xuống núi, mặc kệ thân thể đã bị cơn mỏi mệt nhấn chìm. Giờ đây nhớ lại khung cảnh lúc đó, chàng Nguyệt không khỏi bật cười, trách sao phàm nhân quá đỗi ngu ngốc, chỉ là một tiếng yêu hờ hững đầu môi, lại liều mình đánh đổi cả một đời tươi đẹp.

Phàm nhân… Nét bút đen tuyền hạ màu trên giấy xuyến chỉ, nét này nối đuôi nét kia, dần dần viết ra tâm tư của chàng.

Kể từ giây phút nào tình cảm Nguyệt thần dành cho thừa tướng nở rộ thành tình ý không nguôi? Là lúc y không quản nắng mưa, lặn lội đường xa để đến tửu lâu xem nàng ca hát? Hay chăng là lúc nàng bệnh nặng, y lần theo đơn thuốc thái y kê, mò mẫm đến tận Giang Nam để tìm dược liệu quý?

Đối mặt với đường xá xa xôi, thời tiết hết chín phần khắc nghiệt, thừa tướng lần đầu đến Giang Nam, chỉ có thể ngượng ngùng bị gian thương nơi đây lừa lộc.

Hiển nhiên y biết chuyện mình bị lừa, nhưng có một số chuyện y tình nguyện mắt mù tai điếc, để mặc người khác muốn làm gì làm.

Tiền của gian thương sẽ được dùng để nuôi nấng đứa trẻ trong bụng thê tử hắn, và lo chuyện ăn uống cho bà mẹ già đã gần đất xa trời.

Bảo bối của Hồng Hoa tốt như vậy, hà cớ gì Nguyệt Thần có thể không yêu?

Chàng Nguyệt luôn nhớ rõ…

Vào một đêm mây đen giăng lối, Hồng Hoa hái thảo dược trên núi không may bị té ngã, chỉ có thể đem đầu gối rách bươn ngồi đợi mưa tạnh, rồi lặng lẽ đeo giỏ trở về nhà. Vốn định tự mình làm hết thảy, nhưng nàng nào biết được có người vừa hay tin nàng lên núi tìm thuốc, liền tức tốc một thân một mình chạy theo sau. Đường núi vắng tanh, dáng vẻ y mảnh mai yếu ớt, gương mặt bợt bạc chẳng kém gì người chết, ấy mà bóng hình người thương vừa lọt vào mắt, y đã mãn nguyện mỉm cười, hoàn toàn không để ý gì đến thương tích đã bao phủ toàn thân.

Hành động đó minh chứng cho điều chi? Hồng Hoa ngồi trên thân gỗ mục nát, bàn chân được thừa tướng đặt lên đầu gối y xem xét vết thương, đầu óc vu vơ nghĩ về câu chuyện nam nhân từng kể.

Thừa tướng xuất thân là con nhà văn, cả phủ trên dưới không lấy một người theo nòi võ. Huống hồ y từ nhỏ dễ sinh bệnh, đại phụ một tháng ra vào Vân phủ liên miên không dứt; tuy nhiên y trời sinh có số rồng vàng, tức là có thể xưng đế xưng vương khắp thiên hạ. Lúc thầy bói phán xong, mặt mũi Vân Hành (cha của Vân thừa tướng) tái mét, sợ rằng chuyện này không may động đến tai hoàng đế, cả nhà xem chừng chết khó toàn thây. Dẫu sao cũng máu thịt trong người, vào thời khắc mũi kiếm vừa chạm lên làn da trơn nhẵn của đứa trẻ, nước mắt Vân Hành lả tả rơi đầy mặt, chém mạnh một phát, ông cắt lìa tay mình khỏi thân thể…

Đó là hình phạt ông dành cho mình vì đã sinh ra một nghiệt chủng có thể làm nguy ngại đến bình yên nước nhà.

Nhưng nghiệt chủng đấy lại là con ông, là đứa trẻ ông đã chờ mong suốt chín tháng mười ngày để có thể ôm nó vào lòng, đặt tên cho nó và dưỡng dục nó nên người. Lòng thần hướng về đại đế, đó gọi là cái nghĩa, cái đạo làm trung thần; còn tâm thần đặt ở Vân gia, đó gọi là cái tình, cái đức của bậc trượng phu.

Trung thần giết phản tặc, đó là lẽ thường tình.

Cha giết con mình, thử hỏi trên đời này có mấy người trời không chứa đất không dung thân đến vậy?

Ông có thể cãi trời, cãi đất, nhưng lại không thể cãi thắng số phận. Vận mệnh trớ trêu đặt trung thần kề bên loạn thần, thử hỏi ông còn có thể làm gì khác.

Cuối cùng ông quyết định từ bỏ chốn hồng trần, cùng vợ lên núi tu đạo, ngày ăn chay ba bữa, sáng đọc kinh chiều quét lá, cứ như vậy bỏ đi đạo làm cha, làm thần cũng như làm một người trung nghĩa. Ông của bây giờ không còn là bất kỳ ai nữa, chỉ là một tu sĩ thôi.

Đối với việc vắng bóng tình cha, thiếu đi tình mẹ, Vân thừa tướng đã từng oán, từng hờn da diết. Thấy đứa trẻ khác được cha bế trên vai, mẹ ôm vào lòng, y chỉ có thể trốn trong chăn, thút tha thút thít khóc thầm.

Khóc thay cho hai từ “nghiệt chủng” mà số phận đã ban cho.

Chuyện thầy bói phán đó, kiếp này chỉ có ba người biết, đó là cha mẹ y và y.

Và như những gì vận mệnh đã an bày, chính tay y sau này sẽ lật đổ hoàng đế, để mai táng cho người mình khắc cốt ghi tâm.

Còn bây giờ, chàng chỉ là một Vân thừa tướng bé nhỏ, chẳng cầu gì cao sang ngoài cưới được Hồng Hoa làm vợ.

Ngày hôm đó, gió đìu hiu mang theo tâm tư phức tạp, ôm chặt lấy lưng Vân thừa tướng, dịu dàng chở che xương máu của đời y. Hồng Hoa áp ngực lên tấm lưng gầy, lắng nghe hơi thở dồn dập cùng nhịp tim đập mạnh liên hồi. Nước mưa cuốn trôi bùn đất đã đọng lại từ mấy hôm trước, rửa sạch đất đá, tưới tiêu cho cây. Không rõ vì lẽ gì, sống mũi nàng ca kỹ chua xót mấy đợt, nước mắt tràn mi lại khó lòng chảy xuống.

Tình yêu đôi khi chỉ đơn giản là thế, còn câu chuyện sau đó, âu cũng chỉ là sách trời đã định, không thể tránh khỏi.

Hai dây tơ hồng vốn rịn chặt lấy nhau bỗng nhiên đứt đoạn, chàng Nguyệt giật mình tỉnh giấc khỏi cơn mơ. Chàng lần nữa đảo mắt xuống trần, thấy rõ đôi nam nữ kia đã mỗi người một ngả, không còn dính líu gì đến nhau.

“Duyên trần đứt đoạn mấy hồi, trăm năm kể lại, mấy người có nhau.”

Nhác thấy bầu rượu mãi chưa khui, chàng Nguyệt giang tay đón lấy, một hơi tu liền mấy ngụm.

Sách sử kế bên đã lật đến trang thứ một trăm, vài ba dòng chữ tỉ mỉ tái hiện lại cả một thời đại dài đăng đẳng.

Năm Đại Hồ thứ tám mươi tám, Liễu đế si mê nhan sắc của ca kỹ Hồng Hoa quyết chí bắt nàng về cung làm phi tử.

Hai năm sau đó, nàng uống thuốc tự vẫn, kết thúc đời mình ở trăng rằm mười tám.

Hai mươi năm sau đó, Vân thừa tướng tạo phản, cấu kết với giặc ngoại xâm để chiếm ngôi vua.

Ngày nước nhà mất đi một vị vua tốt, thì đã có một vị vua tốt hơn kế nhiệm.

Song, ngày mà Vân Phi mất đi Hồng Hoa, lại chẳng ai có thể thay thế được nàng.

Sách sử ghi rõ, cả đời này Vân Phi không lập hậu cũng không cưới vợ. Y nhận con trai của Liễu đế làm thái tử, chờ ngày nó đủ lông đủ cánh để lật đổ y.

Mấy ai hay, ngày Vân Phi thấy quan tài Hồng Hoa lướt qua mặt mình, tất cả những gì y có thể làm chỉ đơn giản là quỳ gối và cam chịu.

Đớn đau thay cho tình ý y trao nàng.

Chua xót thay kiếp này y đã mất đi quyền được yêu thương.

End.

Chức năng bình luận chỉ dành cho độc giả đã xác minh tài khoản.

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập ngay.