Đám Cưới Rình Rang

Lượt xem: 13
6 tháng trước
Bạn có thể sử dụng mũi tên trên bàn phím để qua chương
Cấu hình
Báo cáo
Lưu truyện

Tôi gặp lại Tuấn sau rất nhiều năm rời quê lên thành phố làm việc. Sau khi cũng đã khá giả trở về quê thì gặp lại bạn cũ. Tuấn giờ đã hai nách hai con, cưới cô vợ có duyên và rất nết na. Lâu ngày trở về quê Tuấn đãi tôi cá lóc nướng trui cuốn lá sen non. Cái vị quê hương làm chúng tôi say sưa với vài xị rượu từ trưa đến chạng vạng chiều. Tôi có hỏi Tuấn về gia đình của anh ấy, Tuấn cười khà nói như hả hê khoe với tôi:

– Mày có nghĩ tao cưới được vợ là lời cả đời không?

– Hả? Cưới vợ chứ có làm ăn gì đâu mà lời hay lỗ?

– Kinh doanh thì cũng có thời có lúc. Tao lấy vợ là cả đời đó. Nó giỏi, nó biết lo cho chồng con, không đua đòi. Còn đòi gì nữa.

– Vậy coi như sung sướng cho thân mày đi.

Tôi đang lăm le định hỏi Tuấn về một cái đám cưới phải tổ chức ra sao vì nó là thằng có kinh nghiệm đã trải qua rồi. Tôi đã yêu một cô đã 2 năm. Không lâu lắm. Nhưng cũng đủ để hiểu nhau rồi và tiến đến hôn nhân, cả hai chúng tôi đều là doanh nhân, đều cùng tần số, tầng lớp. Nhưng về một cái đám cưới tôi tự cho là Tuấn làm trong vội vã, thiếu chuẩn chỉn của một cái lễ quan trọng của đời người. Đàn ông lấy vợ là dịp cho thiên hạ thấy được bộ mặt thật sự của nó, có oai, có giàu có hay không, mà bạn mình làm cái lễ cưới nhỏ nhoi thế thì không đáng mặt tí nào. Tôi vừa nghĩ vừa nhìn lên tấm ảnh cưới của hai vợ chồng Tuấn, cái khung cảnh đằng sau là ghép Tuấn mặc một bộ vest màu xanh dương đậm, vợ nó thì mặc bộ đầm màu trắng. Hai đứa ôm nhau cười rất tươi.

Thấy tôi cứ nhìn mãi tấm hình cưới Tuần liền tiếp lời ngừng suy nghĩ tôi lại:

– Muốn vợ lắm rồi hả mạy? Hay tại nhìn hình tao đẹp trai quá.

– Thôi đi! Cà rỡn quen hả mạy. Tao cũng định làm cái đám cưới nên nhìn ảnh cưới vợ chồng mày tao lại suy nghĩ đến cái đám sắp tới.

– Thế mày định làm ra sao? Thương nhau thì tới liền đi cho kịp làm nên sự nghiệp lớn.

– Cứ giỡn riếc vậy thằng này. Nhưng lần này phải làm cho thiệt lớn nha mạy, tiền tao dành dụm cả năm trời cũng đủ rồi đấy.

Tuấn đột nhiên im lặng, đôi mắt nó hình như đang muốn dối đi một điều gì đó ghê gớm lắm. Hình như nó cứ mỉm miệng cười nhưng đôi mắt lại không nheo lại. Tôi cũng đoán rằng nó sắp nói lên một điều gì đó làm tôi không thích, nhưng tham khảo thì cũng nên nghe nó. Tôi cạy họng nó, nói đi chứ im ru vậy. Tuấn nén hơi thở dài vào trong lòng ngực rồi nói: “Tao có biết gì đâu là cái đám cưới rình rang, đủ lễ nghi thôi.”

Tôi có thể hiểu Tuấn rằng nó có cái tính tiết kiệm và mỗi lần chi trả cho điều gì đó cũng rất đắn đo, suy tính. Nhưng với việc đám cưới nhỏ quá thì tôi cũng không biết có phải nó đang quá chi li với cuộc đời này không. Có người mỗi lần làm một cái đám gì đó đều phải làm cho lớn lên, phô trương lên để người ngoài nhìn vô phải trố mắt khen lấy khen để. Từ xưa đã có cái sĩ đó rồi nói chi là hiện đại, thậm chí còn có người lấy cái lẽ đó mà so sánh với nhau, ganh đua nhau chỉ để không thấy mình quá tuột lại với xã hội.

Tôi cũng nén hơi thở chán chê của mình lại mà hỏi Tuấn: “Thế sao được. Không lẽ không làm nổi một cái đám cho nở mặt nở mài?”. Tuấn nó lại tiếp tục thể hiện nên một cái vẻ hơi trầm lặng xuống như một người sắp than vãn gì đó. Nhưng rồi cũng chỉ là một câu hỏi lại không dùng để hỏi. Để làm gì. Sao phải làm vậy.

Hình như Tuấn là một người nào đó không phải đang tồn tại trong xã hội này, nó hình như đang ở một vùng nông thôn thiếu thốn nào đó không có liên hệ gì với cái lẽ đời này. Hay thậm chí là không tiếp cận được xã hội hiện đại.

– Tao đang tiếc cho mày đấy Tuấn à!

– Có gì để tiếc hả mạy? Rồi vợ chồng cũng về ở với nhau thôi.

– Tao đến để hỏi thăm một người bạn đang làm một thương nhân khá giả. Một tay buôn bán nổi tiếng một vùng, vì cái lẽ đó cũng phải để tao tham khảo về cách làm một cái đám cưới cho thật trang trọng, cho đàn ông như tao lấy cái để ra oai với những thằng đàn ông khác. Vậy mà trong những thằng đó lại có mày hay chăng.

– Đừng bàn đến đó Long à! Không phải vì bản tính của tao, cũng chẳng phải vì tao không có bản lĩnh để làm gia đình hai bên cúi mặt với thiên hạ. Nhưng làm cho lớn để làm gì? Để có thêm một khoảng nợ như con ông Chín mới 16 tuổi đã làm con bồ nó có mang rồi phải đi vay mượn đủ đường làm một trận trống kèn đình đám vì là con trai duy nhất của họ, rồi sau đó làm lụng trả nợ đến đất đai cũng không còn. Hay như thằng Duy bạn cấp hai của tao và mày làm con nhà tài phiệt lấy vợ về mua nhà xe đầy đủ rồi hằng đêm vẫn đi hưởng lạc với bồ nhí. Hay là nhỏ Lan lấy chồng Việt kiều làm đám mà khách đi kín cả đường làng mình để rồi phải ôm mối hận đàn ông vũ phu đến cõi linh hồn. Và còn nhiều cuộc chiến sau cái đám cưới rình rang, cái đám hình thức làm chúng ta tự hào hả Long?

Hình như Tuấn nó đang làm một người thợ sơn không yêu thích màu sáng vậy. Chỉ vài mẫu chuyện kể ra nó đã tô đen đi cả một sự tự tôn của một người trọng sĩ diện như tôi. Nhưng vì lẽ đâu phải là đen, sao phải tiêu cực. Sao nó không nghĩ đến mặt tích cực. Thì có lẽ tích cực là ngược lại những gì nó vừa nói, ánh mắt của nó trả lời tôi vậy, ánh mắt vẫn điềm đạm, vẫn không có chút gì là mang theo sự giận dữ với cái thế thái mà xã hội này ập vào mắt nó. Nhưng tôi vẫn chưa muốn thua cái lý lẽ đó của Tuấn.

– Vậy còn nếu người ta làm đám cưới lớn mà vẫn ở được với nhau thì sao?

– Đó còn là do hai con người trong gia đình sao đã, thà là nghèo đến nhau rồi làm nên cơ nghiệp còn hơn là giàu có rồi người giàu cũng trở về cuộc sống của họ, xa hoa và thích hưởng lạc. Còn nếu nghèo mà sĩ thì đất cũng không có mà ăn.

– Vô lý! Những người nổi tiếng giàu có chẳng phải cũng dựng vợ gả chồng theo kiểu chi tiền tỷ đấy ư?

– Là do họ cảm thấy xứng đáng với cuộc sống của họ! Là do mày tự nhòm ngó, để tâm chứ họ cũng đâu có chủ ý làm cho mày phải trầm trồ hay bắt mày phải làm theo họ. Người có tiền họ suy nghĩ khác Long à!

– Thế rồi một cái đám cưới nho nhỏ diễn ra thôi sao? Chỉ để đủ lễ nghi?

– Thì vợ chồng tao cũng tích được một số vốn sau đám cưới, mang tiếng đủ lẽ chứ cũng trên chục bàn cho hai họ, bạn bè. Rồi lấy vốn mà làm ăn đến giờ mới có cơ nghiệp nhỏ. Cái đám cưới không làm nên chuyện thì không sao, chứ sau một cái lễ thành hôn có thể khiến con người ta phất lên như cờ gặp gió hoặc cũng có thể là chìm luôn như viên đá ném xuống sông rồi không biết nó trôi đi về đâu. Má tao hồi xưa bả cũng ước mong có cái đám cưới biết chừng nào mà từ hồi đẻ tao ra tới giờ ba tao ổng hy sinh chưa kiếm được cốt nữa mà má tao vẫn ở vậy nuôi tao với gánh bánh cam tới lúc tao lấy vợ luôn thôi.

Tôi dường như đang bị Tuấn thổi vào tai những vật chất vừa cứng vừa mềm và dao động rất dữ dội. Đầu tôi cũng như sắp vỡ ra vì cái mà nó nói. Không phải vì bản chất của việc làm một cái đám cưới như thế nào, mà là sau đó như thế nào, vì nếu muốn thì đám cưới bao nhiêu lần chẳng được. Tôi nhớ đến chuyện đã từng biết người yêu tôi từng vì muốn làm trợ lý giám đốc mà phải ở lại nhà ông chủ tịch hói đầu, bụng bự qua đêm. Tôi chợt phải biết rằng bạn tôi không phải một triết gia, nó chỉ là một người nhìn vào thực tế mà nói, nó không quê mùa, càng có bản lĩnh để làm tôi hiểu ra cái bệnh sĩ của mình.

Rồi bỗng có tiếng gọi từ sân vào là thằng Minh bạn học của tôi và Tuấn, vào gửi thiệp cưới. Sắp cưới một bà bên Mĩ về tìm chồng để bảo lãnh qua đó phụ tiệm móng tay. Coi bộ cũng giàu, nghe bảo thế, hình như vợ cũ nó vì khổ quá mà cũng bỏ theo một ông già Đài Loan. Nhưng đám cưới được làm trên huyện mới oách. Tôi và Tuấn nhận lấy tấm thiệp rồi chỉ nhìn nhau cười nhẹ lắc đầu. Trong đầu tôi lúc này chỉ là muốn về ôm lấy cái kế hoạch giữ gìn hạnh phúc hơn là bàn về chuyện đám cưới sao cho lớn. Xong rồi hai đứa tôi tiếp tục buổi nhậu ở quê trong vui vẻ.

 

Lời nhắn từ Trọng Đại: Tôi thì còn quá trẻ để cưới các bạn đọc của tôi ạ! Nhưng bạn tôi có không ít đứa đã lập gia đình rồi, nhìn đám cưới tụi nó mà cũng coi là đãi mà thấy "thèm" lắm, mà trong quá trình hôn nhân lại nhiều điều mâu thuẫn sau đó. Thế là mới nghĩ lại xem có phải thật sự cái đám cưới là cái cần thiết vì bộ mặt của gia đình hay không để rồi sau đó cho các cặp hết duyên nợ với nhau lại vỡ tan trong tiếc nuối. Thật khó hiểu cái thời đại dễ đến dễ đi hiện nay mà!!!

Chức năng bình luận chỉ dành cho độc giả đã xác minh tài khoản.

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập ngay.