Thợ Viết

Lượt xem: 20
6 tháng trước
Bạn có thể sử dụng mũi tên trên bàn phím để qua chương
Cấu hình
Báo cáo
Lưu truyện

 

Khuya, không phải tối, trời đã lù mù hơn nhiều rồi, đèn trời chắc chỉ còn trăng khuyết là đang sáng nhất thôi. Sáng đến cả bàn làm việc của một anh nhà văn đang ngồi cố bóp căng não để nặn ra cho bằng được câu nói đắt giá cho câu chuyện của mình mà mình đang viết dang dở. Thật khó để mà diễn tả cảm giác của văn sĩ Huy lúc này, cái đầu tóc rối bù xù như chủ nó quên đi việc chải chuốc, tỉa tót. Hay hai cái quầng thâm mắt đen kịt vì cứ mỗi khi nhắm mắt anh lại nảy ra ý gì đó thì lại bật dậy viết ra cho bằng được. Cổ họng khô ran khi cứ mãi tập trung ngồi sáng tác mặc cho nó đang báo hiệu bằng những tiếng ho lên từng đợt như cao xạ bắn hạ máy bay. Người viết hết lòng vì nghề thì thật đáng quý, nhưng đến nỗi như Huy thì hơi ghê quá, người có mùi chua, chắc có lẽ cũng quên tắm.

Nhưng ngồi mãi vẫn chưa nhào nặn cho ra được cái mà mình muốn nói, Huy cứ ngồi cứ nghĩ, viết rồi lại xóa, đêm cũng không dài bằng thời gian anh không ngủ. Phá tan không gian yên ắng trong phòng làm việc của Huy là tiếng chuông thông báo tin nhắn điện thoại, nó cứ reo lên liên hồi, nó đang là cản địa cho sức sáng tạo của một người cần sự yên tĩnh, Huy bực bội muốn quẳng đi cái vật đang phát ra những âm thanh phiền toái kia ở một xó nào đó, nhưng rồi lại chợt nhớ ra mình cũng đang đợi tin nhắn của tòa soạn với nhuận bút của cuốn “Hiện thực”. Nó là một tác phẩm gần như là phóng sự về cả một không gian sống hiện đại qua lăng kính của một kẻ nhìn, nghe nhiều như Huy, anh đã phải ngồi hì hục hàng tháng mới cho ra được ba chương để gửi cho tòa soạn, nếu được duyệt thì may ra có nhuận bút nuôi miệng ăn của mình. Chứ như Huy cứ viết mãi mà cứ tiền nhà, tiền điện, tiền nước, đủ thứ chi tiêu thì khó mà viết cho ra được vấn đề trăn trở. Xã hội này không thiếu những nhà văn hay, chỉ là họ bận lo cuộc sống mà thôi. Chính Huy cũng thấy trên mạng xã hội nhiều đồng nghiệp viết văn rất sâu, thơ rất hay, luận rất mạnh mẽ nhưng nhìn lại những nhà văn trong nước, sống được bằng viết lách thì có mấy người. Chả nhẽ đợi giàu rồi mới viết? Viết là phải viết ngay, nghĩ gì bây giờ viết ra như vậy, chứ nếu ôm ấp mãi câu chuyện lòng đó đến lúc giàu thì liệu ai còn nhớ đến chuyện thiên hạ được nữa mà viết với chả lách.

Rồi thì dòng suy nghĩ của Huy cũng bị ngắt bởi một cuộc gọi đến từ chiếc điện thoại anh đang nắm chặt trên tay, là Tú gọi đến, người bạn đồng văn của anh, cái giọng châm biếm, cà khịa của nó là thế mạnh cả ứng xử lẫn trong văn chương. Huy bắt máy rồi chùn đôi chân mày đang căng như sợi dây thừng bị kéo ở hai đầu bị đứt đoạn ở giữa. Tú vẫn giữ cái giọng lạc quan, ngạo nghễ đến mức vô tư. Giờ này còn ngồi vắt óc hả nhà văn Huy, chưa biết vụ gì hả mạy, hay chưa xem mail đây. Huy bị thằng chiến hữu làm phiền cũng trở nên hoang mang đôi chút với những gì nó sắp thông báo, anh ngẩn người. Trong không gian yên ắng thì tiếng cười khà khà vang lên trong điện thoại nó cứ như những âm thanh có sức mạnh xé toang căn phòng.

-       Có gì thì nói luôn đi! Tôi đang bận.

-       Quý hóa quá anh bạn. Mày nên xem mail đi, cả hai đứa mình đều có chuyện vui đó.

Cái gì là vui? Không lẽ là… Huy mở máy tính xem những dòng điện tín được gửi tới. Qua vòng sơ khảo cuộc thi viết dành cho những nhà văn đang tìm đường đến gần hơn với bạn đọc. Cả Huy và Tú đều qua được, đúng là sự đồng hành đáng biểu dương, cứ mặc là mỗi đứa mỗi đất sống riêng, viết theo thể loại riêng nhưng chỉ cần là văn chương thì biên giới nó chỉ là một cái tên gọi, chứ nếu bàn thì rộng lắm, mỗi cái tôi là mỗi hạt ngọc trai dưới đáy biển rồi, biển thì rộng khắp còn ngọc trai thì phải gom nhặt mãi mới thành một kho báu đồ sộ. Nhà văn hoạt động đến cuối cùng cũng không phải trở thành ngọc trai, nhưng những đứa con tinh thần mới là tài sản quý giá cả đời.

Huy cũng chỉ biết nở một nụ cười đã mệt mỏi không nhếch nổi mép qua nhiều đêm dài thức ròng nhưng cũng cố mà hả họng như muốn cất lên tiếng cười thật lớn rồi lại thôi. Đề sức lại cho lúc anh may mắn được nhận giải nhất rồi mới vui mừng luôn một thể vậy. Hẹn mai nhé Huy, Tú nó cũng vội cúp máy. Hôm nay Huy đoán là một đêm mất ngủ, ban đầu thoáng nghĩ đó là việc anh sẽ mất ngủ vì nghĩ mãi không thể tạo ra thêm chi tiết đắt giá cho truyện của mình. Nhưng giờ thì khác rồi, Huy cũng khó chợp mắt được, vì vui, bên trong ai cũng tồn tại sự hồn nhiên của một đứa trẻ, biết vui, buồn tự nhiên không gò bó, không ai bắt ép được.

Trời sáng, mặt trời đã bắt đầu gắt, Huy mới chỉ bắt đầu chợp mắt được một chút sau một đêm cười một mình khúc khích khó tả của nhà văn. Tú cũng ới ngoài cổng, chưa đáp thì đã vào tới ngồi ngoài bàn, quẳng lên bàn hai ổ bánh mì thịt, ăn đi mạy, no cái bụng trước rồi nói chuyện. Huy cũng tinh ý pha sẵn cà phê và trà cho bạn nhâm nhi. Tú vừa ăn vừa nói:

-       Nhà cửa thế này hả ông tướng? Lâu rồi không dọn à?

-       Bận quá đó mà. Văn nhân! Làm gì cũng có ý viết, cầm cây chổi đi quét nhà cũng có ý, động đến mớ giấy báo cũ hay là lấy tay phủi đi lớp bụi trên bàn. Chắc mày cũng hiểu mà.

-       Tươm tất xíu đi. Hay lấy vợ đi cho có người còn săn sóc cho.

Huy chỉ cười thôi. Cười vì anh hiểu giờ có vợ là cả một vấn đề nan giải với anh, anh không phải loại người cứ yêu ai là vớ ngay người đó làm vợ. Nghĩ cho kĩ là lấy vợ về thì có ăn no, mặc đủ hay không, có điều kiện đủ thì đàn ông nào mà chả muốn lấy vợ. Nhưng buồn thay Huy cứ ngồi mà ngẫm thôi rồi thở dài…

-       Gác chuyện vợ con qua bên đi, có tin là khi nào đến vòng chung kết chưa Tú?

-       Gấp làm gì? Giờ cứ ăn trước đi. Rồi bạn cho hay… Văn nhân với nhau mỗi người lại mỗi tính thế. Lạ đời! – Đúng là như vậy mà đúng là phải như vậy thôi, mỗi cái tôi mới là mỗi chất riêng, thế mới phân ra thể loại mỗi anh viết. Huy phục dựng xã hội, Tú trào phúng. Coi thế mà bù trừ tạo ra nhiều sự đồng cảm.

Ăn xong Tú mới bắt đầu cho hay. Vào chung kết thì có mười thí sinh cùng nhau viết về chủ đề hiện thực xã hội, cũng như là một tương lai mà nhà văn muốn gửi gắm, từ đó phân hóa ra những nhân tố đặc biệt. Tác phẩm được giải cao nhất sẽ được chọn lọc những tác phẩm trước giờ mình sáng tác. Đó là điều mà cả hai anh văn sĩ trẻ đều cần. Biết rõ thể lệ là thế nhưng biết viết từ đâu, từ cái gì thì chưa xác định được. Tú mới nói:

-       Vậy giờ chủ đề gì cho hợp lý đây Huy?

-       Mỗi đứa mỗi cái nhìn thì phân ra mà làm.

-       Nhưng nghe bảo lần này có người mang cả AI vào trong sáng tác, thật nực cười… Tao chưa bao giờ nghĩ đến việc có một cỗ máy có thể thay thế những người đang viết thực thụ. Đó là điều bất khả thi, thế mà qua vòng sơ khảo được khen nức nở, có cái chuyện đó thì nhà văn thất nghiệp cả.

-       Hay lắm Tú!

-       Hay cái gì, đừng chê tao gàn dở nhé… Tao nghĩ chính mày cũng không đồng ý với điều đó chớ. Cái thằng dám thức nhiều đêm để hoàn thành tác phẩm của mình một cách hoàn chỉnh, chỉn chu nhất.

-       Thì tao khen vì mày đã cho tao một ý tưởng, một ý tưởng về chuyện thật và ảo, về cái cách mà chúng ta làm việc hăng say để đưa ra một “đứa con” chứ không phải những thành phẩm gian dối. Tao không muốn nói đến cái máy viết chữ đó, vì vốn nó không nên có, văn không phải nghề dành cho thợ, cũng không thể có nhà văn nào dám nhận là một người thợ lành nghề, văn chương không có một chốn nào là tuyệt đối, nó sẽ luôn luân chuyển. Nhất định nhờ vào xã hội có những thay đổi khó hiểu mới có chuyện cho nhà văn phải bàn, bàn cho nát, bàn cho ra ngô ra khoai thì thôi.

-       Thế định hiện thực nữa à? Cứ ở mãi trong vùng an toàn à? Tao thì sẽ trào phúng mãi thôi… Ha

-       Lần này không chỉ là một tác phẩm mà là một phóng sự, một cách mượn những tác phẩm gian dối, giả tạo để xoáy vào cái máy “thợ viết” kia.

Lúc này Tú nhìn Huy, ánh mắt cũng sáng lên, cười như được mùa, phải nói là than phục ông thần bạn mình. Huy có khi chỉ cần kể ra một câu chuyện đời cũng có khi lại là phê phán ẩn giấu trong đó rồi chớ không cần phải làm cho nó lộ ra bên ngoài như những nhà văn có tính thẳng thắn, mà Huy nó cũng thẳng thắn đó thôi, chỉ là không chua cay, không đanh đá trong văn. Cứ âm ỉ trôi mà lại có sức mạnh thâm nhập tâm hồn ghê gớm, kể cả Tú cũng bị ý chí của bạn làm lung lay làm phục sát đất. Tú từ giả cùng cái chủ đề mới mà đáng để bàn đây, chỉ là anh sẽ trực tiếp đi thẳng vào vấn đề và nói thẳng mặt sự thay thế mà anh cho là nhàm chán lúc nhàn rỗi của sự tân tiến ấy.

Tú về rồi thì như thói quen Huy mở tin tức trên ti vi lên cập nhật thông tin, lại một dòng tin chạy lên đỏ kè hiển thị rằng công nhân sắp bị đào thải hàng loạt do máy móc đã thay thế họ làm nhiều phần việc, nếu người lao động không có trình độ cao thì sẽ phải buộc lòng mất việc. Vấn đề nằm cả ở hai phía, cả máy móc cả con người. Nếu họ cứ càng làm càng giỏi hơn, càng tự mình trau dồi them nhiều kiến thức thì họ không chỉ nằm ở một chỗ, những nhà bác học cũng chẳng cần nghiên cứu cho ra những cỗ máy lao động. Hoặc ít nhất ai cũng cố làm việc cho ra tiền nuôi miệng gia đình mình mà thôi, cứ phải làm tốt việc mình trước đã chứ ai có đầu óc đâu mà nghĩ tương lai cao vời vợi. Huy chỉ thở dài, tắt ti vi, rồi các bạn đọc cũng sẽ biết được mình nên làm gì để không bị thay thế bởi máy móc.

Huy nhìn tổng quát lại ngôi nhà của mình, bừa bộn quá, giấy báo tứ tung khắp nơi, giày vớ, quần áo vương khắp nơi, mùi ẩm mốc cũng chuếnh choáng. Nhận ra mình đã quá say sưa với đặc ân của chính bản thân mình, dầu căn nhà này cũng ùa anh mướn thôi. Nhớ đến đó mới đây vài ngày trước thôi Huy đã xin khất thêm một tháng tiền nhà nữa, tổng là ba tháng rồi. Không biết đến khi nào mình phải cuốn gối ra đường viết văn. Nợ tiền ăn quán cơm, quán nước, nợ cả tiền thuốc lá, tiền rượu. Nhà văn cũng chả muốn dính vào ôn dịch, nhưng không thấm những điều đó lại khó mà tỉnh, dù say cũng là say văn chứ chả say rượu. Chỉ có một vấn đề nan giải là tiền nhuận bút cho mấy bài văn luận nhỏ lẻ thì ít quá, chẳng đủ đâu vào đâu.

Thế sự đã thế rồi thì cũng chả có cần phải cố mà thoát khỏi cái số phận trời cho này, ai bảo anh Huy lại chọn nghề văn. Chớ xưa kia văn nhân viết đâu ra tiền, nghèo đến con bệnh hiểm nghèo đến chết, nằm liệt giường cố viết để mua lồng đèn con cá cho con hay thậm chí chết non vì nghèo khó. Nhưng liệu có ai bỏ nhanh cái nghề mà chẳng nuôi được ai? Chẳng ai bỏ cả, sống rồi viết, viết cho đến khi cuộc sống hóa thành chữ để người ta đọc phải khóc, phải cười, phải đau khổ, trăn trở, dằn vặt tâm can. Nhà văn là những nhà tài ba trên mây trời được nhân hóa, sống trên đời để làm nghĩa vụ tỉnh thức cho nhân loại nhưng vẫn phải chịu nỗi thống khổ của nhân loại. Huy đã như thế, đã đau trong muôn trùng nỗi đau, đã khóc trên những tiếng cười bại hoại. Khổ tâm lắm, nhưng vẫn bàn chuyện nhân gian cho nhừ cả ra.

Chắp bút ba ngày liền, hoàn thành tác phẩm thì đọc lại nốt rồi gửi ngay. Huy đang có cảm xúc để viết thì viết nhanh lắm. Cảm hứng bất tận của nhà văn là đòn bẩy nâng bút lực của nhà văn lên cao ngất, đó là thứ gia tốc mạnh mẽ chuyển hóa tốc độ viết thành sự nhanh chóng chớp nhoáng khó tả. Tú cũng thế, cả hai đã đọc bài nhau. Tú thì sinh sự trên mọi trang văn, Huy thì phục dựng viễn cảnh của nền nghệ thuật vị nhân sinh gian dối. Cả hai đều đã dồn hết tâm sức vào cả quá trình sáng tác. Chỉ cần nó chỉ có một cơ hội đến gần hơn với độc giả thì mọi người cho chữ đều mang hết nhiệt huyết ra mà truyền vào những đứa con tinh thần của mình.

Ngày công bố giải thưởng đã đến. Háo hức cả Tú vào Huy đều ngồi cùng nhau ở một diễn đàn đơn sơ thôi, sân khấu là một cái bục cao năm phân, trên treo vải đỏ, đèn nhấp nháy liên tục. Hằng hà những nhà văn trẻ đang xếp lớp với nhau như một hàng ngũ những kẻ đang đánh hơi thời đại, đó là một niềm vinh hạnh của cả một thế hệ. Giờ công bố làm ai cũng hồi hộp cả, những trái tim nhạy cảm sâu sắc cũng biết phập phồng, nhưng quả ngọt thì chỉ dành cho một ngôi sao duy nhất, dù cho như thế cũng mong một trong những người trong hội đồng nghệ thuật để tâm đến giá trị mà văn nhân mang lại.

Kết quả bất ngờ cho Tú, tác phẩm của anh đã bị loại. Huy thì được giải nhất, một cái may mắn cả đời mong mỏi. Mọi người tung hô anh trong việc phục dựng rõ nét về đời sống làm ban giám khảo cũng phải đưa ra những thán ngữ vô bờ. Huy lấy làm vinh hạnh lắm, vui như được lên thiên đường vậy, cái cảm giác mình sắp được trở thành một tác giả được cho phép in ấn sách mở rộng đưa đến các bạn đọc giả, những người cũng nên biết đến cốt lõi sự việc dù là chỉ một lần thôi. Huy tìm Tú để cùng chung vui nhưng người bạn ấy đã rời đi, đã tự mình không bước lên liếc nhìn ánh hào quang này của mình. Nhưng bị các bạn đồng văn hỏi han nhiều quá lại phải nán chân chia sẻ cũng như trả lời phỏng vấn.

Mãi đến khuya Huy mới có thể rời khỏi buổi lễ trao giải, anh vội tìm bạn thân. Quán rượu quen thuộc, Tú đã say khước. Huy bước vào kéo ghế, tháo cà vạt, ngồi xuống, rót liên tục ba ly.

-       Giận tao à? Rồi mình cũng sẽ có cơ hội vụt lên thôi.

-       Không tao không giận mày… Tao giận cái sự đời này! Tao đã thua một cái máy chép chữ. Chẳng phải nó đã ghi lại câu nói về cuộc đời trôi nổi của cô Tư hay sao, hay nó cứ tình tự mà hồn nhiên trong sâu thẳm của bác Ánh. Nó chỉ đang lấy chất văn của những con người đỉnh đạt đó để biến chúng thành của nó, thế mà người đại diện cho nó vẫn ngạo nghễ lên nhận giải nhì. Chó má quá.

-       Vậy mày nghĩ thế nào tao lại hơn nó? Có phải tao giỏi hơn một cỗ máy, vượt qua được cái vấn nạn “Thợ viết”?

-       Nói tao nghe đi… Tao rối lắm.

-       Không chỉ tôi, mà còn là chúng ta. Anh bạn à! Chúng ta là những người sống thật sự chứ không phải là những cái máy đó. Nó không nhìn được những nỗi đau đang nằm sâu trong lòng chúng ta, nó có thể sao chép những câu văn gây cười chứ nó không thật sự có nụ cười, nó có thể sao chép những câu văn ẩn chứa những nỗi buồn đến tuyệt vọng nhưng nó không thật sự khóc cùng người đọc. Chúng ta là những người được thấy được, được nghe, được hiểu, được chạm đến những tâm hồn đang bị dồn nén trong ấm ức của thời cuộc. Người ta có thể làm nên một trí tuệ nhân tạo nhưng mãi mãi là môt điều viễn vông khi cố tạo ra cảm xúc nhân tạo. Đến khi diệt vong thì cảm xúc mới có thể quên lãng, nhưng nếu chỉ cần một con người duy nhất còn sống trên thế giới thì tâm hồn chúng ta vẫn sẽ còn sống.

-       Thế tao cũng đang đả phá chuyện đó mà Huy?

-       Thời cuộc thôi Tú. Từng có một ông nhà văn chưa tròn ba mươi đã từng dám đứng lên phản bác nhân cách của cuộc âu hóa, đến chết cả chục năm mới được công nhận là vua. Nhưng có phải ông ấy không được ủng hộ bởi những người bạn đồng văn đâu. Chỉ là đang đi ngược lại với những điều xã hội đang hưởng thụ sung sướng và cho là đúng thì người ấy lại là một kẻ đi ngược chiều. Mày cũng thế, tao hiểu mày ủng hộ mày. Nhưng xã hội thì lại đang công nhận những thứ mà chúng ta thấy là đang ăn mòn sự chăm chỉ của công việc thì chúng ta cũng hóa những tên dở hơi, bao đồng.

-       Được! Được lắm! Một ngày trào phúng không được thì cứ đem ra mà nói mãi, nói cho chẳng còn cuộc mâu thuẫn nào nữa. Cho dù có vinh quang đó chẳng cần hưởng lấy cũng được, tao sẽ cho chúng nó biết tao là một nhà văn phóng sự bật nhất đời, tao sẽ hạ đo ván những con mọt thời đại bài những cú rờ ve, dò lái, những điểm nhấn bất ngờ - Tú reo lên trong sung sướng khơi mở tâm trí

-       Vui là được!

-       Chủ quán tính tiền!

Huy và Tú cùng khoác vai dìu dắt nhau về. Tú thì chuẩn bị cho những sản phẩm châm biếm mới cho ngày mai, Huy cũng vui vì nhờ số tiền nhuận bút mình có thể trả hết nợ cho nhẹ lòng mà tiếp tục thư thả sáng tác. Hai người bạn đồng văn đều cười trong vui vẻ, ánh trăng hôm nay tròn vành, khuya lại có một ánh trăng sáng vằn vặt soi bước cho nhà văn.

 

 

                         

 

Lời nhắn từ Trọng Đại: Các bạn đọc giả thân mến, tôi là một anti AI. Nên không có gì lạ khi tôi dồn nhiều tâm sức vào để đưa nó vào danh sách đen trong nhật ký viết lách của mình. Tôi tôn trọng các bạn đọc cũng như tôn trọng chính cái tôi của bản thân nên chắc chắn sẽ vẫn còn sáng tạo miệt mài làm việc hơn bây giờ nữa. Trọng Đại sẽ nói không với AI trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, nếu đồng tình thì ngại gì 1 sao cho tôi nhỉ??? :>>

Chức năng bình luận chỉ dành cho độc giả đã xác minh tài khoản.

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập ngay.