Vui lòng đổi server nếu không load được ảnh - Hoặc báo lỗi cho Admin nếu ảnh truyện bị die

VÌ SAO LUNA WONG DỊCH TRUYỆN RẤT…

– – 0 – –

Đầu tiên tôi xin nói về tình hình của Bookwaves trước.

Đây là web truyện của tôi, Luna Wong, được mở bao năm rồi(lâu quá không nhớ nữa) lúc đầu là Vọng Thư Uyển, gần đây chuyển sang tên chính thức là Bookwaves.

Koibito đảm nhiệm mỗi bộ Đạo Quân thôi, mà ổng chau chuốt kỹ lưỡng với không có thời gian nên bộ này kéo hơi lâu. Tôi chỉ beta lại những phần cảm thấy chưa hợp lý thôi. Nên có thể nói là Bookwaves do một mình tôi solo mấy năm rồi.

Cũng chính vì thế, tôi không có beta nên nếu tôi chau chuốt truyện cho câu chữ mượt hơn thì tốc độ ra chương sẽ rất lâu. Sau khi cân đo đong đếm giữa tốc độ chậm nhưng chất lượng với tốc độ nhanh mà kém chất lượng hơn thì tôi nghiên về cái sau. 

Vì mới chọn được cái tên ưng ý cho web không lâu, giao diện chức năng sử dụng còn chưa tốt lắm nên tôi chưa quảng cáo rầm rộ. Mà với tình hình hiện tại, quá nhiều web truyện nổi lên, có web thì đi trộm từ nhiều nguồn nên lượng truyện phong phú, có web thì trả phí. Còn các bạn tác giả thì người thích có nhuận bút, có người chê nhuận bút của các web Việt thấp nên làm freelance, người lại thích nhuận bút cao nên trực tiếp chuyển sang làm tác giả web Trung luôn, nên tôi nghĩ Bookwaves cũng khó mà kéo được tác giả, dịch giả.

Tới tầm năm ngoái tôi mới bắt đầu mặt dày đi xin truyện của các tác giả khác về để làm phong phú thêm Bookwaves. Lúc đầu là truyện ngắn, sau này có thêm truyện dài tập. Nhưng lạ ở chỗ, tác giả đăng rất đều mà tôi vừa xin xong họ drop gần hết. Hiện tại chỉ có mỗi bộ Khởi Phong là đang còn viết nhưng tiến độ rất chậm. Có lẽ sau này tôi cũng chẳng dám xin truyện dài nữa đâu, mất công bản thân tôi lẫn độc giả của Bookwaves đang có hứng đọc tự dưng bị drop cụt hứng lắm. Mà Bookwaves lại thành như một cái thùng rác, toàn truyện drop.

Tầm năm nay bắt đầu có thêm vài tác giả vào Bookwaves cùng tôi. Có hai tác giả up được vài chương thì chạy mất. Giờ ngoại trừ tôi ra thì còn hai tác giả nữa. Tôi rất biết ơn và cảm ơn hai bạn rất nhiều vì đã không bỏ rơi tôi cùng Bookwaves để chạy theo những web có thể kiếm tiền khác.

Tiếp đó, các bạn để ý sẽ thấy, các tiểu thuyết, truyện chữ của mỗi quốc gia sẽ có phong vị riêng, dù đã được chuyển ngữ nhưng vẫn giữ được phong vị đó. Không nói tới văn hóa, cách xưng hô được để cập trong truyện chỉ nói tới câu chữ. VD: Truyện âu mỹ dịch giả hay sử dụng “đại loại như, kiểu như, chẳng hạn như…”. Truyện Trung cổ đại thì có dạng “hành tây, tỏi phi các loại”; hoặc lại nói về địa điểm sẽ là “xx huyện, yy tỉnh, zz phủ”; xưng hô cổ đại sẽ có tỷ tỷ, ca ca, lão sư, tiên sinh…. Với truyện Việt thì phủ, huyện, tỉnh tôi sẽ để như thường ngày chúng ta hay nói; cổ đại Việt thì cứ anh chị em thầy cô mà triển thôi. Các đặc trưng này để khi độc giả vừa đọc lướt qua câu văn cũng đã đoán được đó là truyện của nước nào, viết về thể loại cổ đại hay hiện đại.

Tôi là một người thích thể loại cổ đại Trung quốc. Do đó các truyện của tôi chuyển ngữ đa phần vẫn giữ lại văn phong của tác giả và Hán Việt nhiều. Ngay cả thành ngữ thơ văn của họ tôi cũng sẽ không thay đổi. Nếu không, truyện cổ đại Trung khác gì với truyện cổ đại Việt đâu chứ. VD như câu “qua sông dỡ cầu”, “qua cầu rút ván” vậy, dù cũng là nói về việc vong ân phụ nghĩa nhưng nó có tính chất văn hóa bên trong. Văn hóa chỗ nào? Ở chỗ cây cầu. Cầu của VN thời xưa là dạng cầu dùng ván bắt ngang, nên qua cầu xong rút ván là mất luôn cây cầu. Còn cầu của TQ thời xưa là dạng cầu treo, nên họ dùng qua sông dỡ cầu nghĩa là chặt đứt dây làm hỏng cầu luôn chứ ván nhiều quá sao rút nổi. Nên các bạn không hiểu thì cứ tìm cái thuần Việt tương tự để thay, nhưng lại không biết ý nghĩa tập tục văn hóa trong đó cũng bị vô ý thay luôn. Kiểu như weibo của người ta các bạn dịch đổi luôn thành facebook. Có nhiều bạn còn tự ý đổi luôn cả tên của bộ truyện nữa. Cực kỳ thiếu tôn trọng tác giả.

Còn nữa, cái này thì không liên quan đến thuần Việt hay Hán Việt nhưng tôi cảm thấy mình vẫn phải nói ra. Chữ bị cắm sừng và đội mũ xanh là cùng một nghĩa nên nhiều bạn đều thuần Việt luôn. Nhưng các bạn không biết được rằng đã vô tình đổi văn hóa của người ta. Vả lại ở lúc người ta nói móc các bạn phải sửa luôn câu của tác giả, vậy cho hỏi có chỗ nào tôn trọng tác giả không? VD: Trên đầu có một mảng xanh mơn mởn, hoặc cái nón xanh quá chói mắt, cái sừng xanh sao? Cái nón xanh chụp từ trên đầu chụp xuống, sừng có thể chụp thể không, đương nhiên là không các bạn phải bỏ câu đó hoặc thay thế bằng câu đại loại như là cắm sừng đầy mình, sừng có thể mọc đầy người sao? Tiếp đó là weibo thì đổi thành Fb; wechat thì đổi thành zalo; tuổi con thỏ đổi thành con mèo; TQ không có tầng trệt nên họ gọi nó là lầu 1 luôn(riêng cái này tôi có đổi lại cho mọi người dễ hình dung);… tóm lại vớ vẩn vô cùng.

Tiếp đó là mấy từ chỉ mức độ, đúng, không đúng, không sai, sai. Nó rõ ràng có khác luôn mà nhiều bạn dịch không sai không tệ thành đúng và ngon hoặc hay. Dịch vậy làm mất đi phần mức độ bên trong. Đã dịch thì phải đúng chứ không chỉ chú trọng dễ hiểu được. VD rõ nhất là: trên đất và dưới đất đều nằm ở mặt đất nhưng lại khác nhau hen. Đồ ăn rơi trên đất nội trong ba giây nhặt lên vẫn còn có thể ăn(không nói tới mấy món như kem). Mà đồ ăn rơi xuống đất nhất định là bẩn và không thể ăn. Chú ý an toàn là nói dưới tình huống khách sáo. Chú ý nguy hiểm là nói lúc nguy hiểm cận kề rồi. Bởi vậy phải dịch cho đúng để câu càng thêm rõ nghĩa trong từ chữ.

Gần đây lại có 1 bạn hỏi về câu phá phủ trầm châu. Nhiều bạn gợi ý bạn đó dịch thành cố gắng hết sức. Nhưng theo tôi nên để nguyên và ghi thêm chú giải vì phía sau câu nói trên đi kèm với tích của Hạng Vũ. Vả lại phá phủ trầm châu là kiểu bị ép tới đường cùng để phát huy hết thảy tiềm lực nếu không sẽ chết. Còn cố gắng hết sức thì hết sức rồi thôi chứ không có phải kiểu cùng đường liều mạng.

Vì các bạn đọc truyện dịch nên không biết, các truyện cổ đại Trung mà tác giả viết chắc tay luôn sẽ dùng cổ ngữ. Loại cổ ngữ này luôn tồn tại trong tứ thư ngũ kinh, kinh Phật…Nhất là đối với những truyện có yếu tố khoa cử, quan trường. Nên đôi khi tôi dịch luôn để nguyên văn, nếu tìm được dịch nghĩa thì thêm vào không thì thôi, bởi chẳng hiểu nổi luôn.

Do đó tôi cũng muốn giữ lại những nét đặc sắc đó.

Các bạn xem thử mấy bộ truyện Việt xưa [ Việt Điện U Linh Tập ], [ Thánh Tông Di Thảo ]…một trang truyện viết thì ít chú giải thì nhiều, vì toàn Hán Việt đó. Đúng là đọc thuần Việt dễ hiểu hơn nhiều, nhưng Hán Việt vẫn là một phần của tiếng Việt mà. Nhất là trong các văn bản hành chính, những bài phát biểu; trong Phật pháp; trong các bài giảng của luật, pháp y, y khoa… Các bạn xem trong truyện hiểu rồi sau này tiếp xúc với những thứ bên trên sẽ không cảm thấy quá khô khan khó nuốt. Mọi người không cần chấp nó là thuần Việt hay Hán Việt bởi đều là tiếng Việt cả.

Với tôi, truyện cũng như món ăn, đầu bếp khác thì vị của món ăn cũng khác. Nếu không hợp khẩu vị thì mọi người có thể không ăn, đừng đứng trước quán hay quay clip la làng lên rằng quán dở này nọ. Có thể nó dở với bạn nhưng lại ngon với người khác. Đã dùng free rồi còn không biết điều là không biết cách làm người đó. Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Tôi bước vào con đường dịch truyện cũng là vì đọc không quen cách xưng hô của một số dịch giả chuyển ngữ cho truyện cổ đại Trung.

Ngoài ra, tôi chọn giữ Hán Việt nhiều thay vì thuần Việt cũng có phần của những nguyên nhân sau đây:

1. Các từ như: phương ngôn = ngôn ngữ địa phương; gia bạo = bạo lực gia đình; ôn nhu = ôn nhuyễn, nhu hòa; chiếu cố = trông nom và chăm sóc; cần công – cần cù dụng công; vô pháp = không còn biện pháp nào nữa; phong thịnh – phong phú thịnh soạn; lãnh ngạnh – lạnh lẽo cứng rắn; túc sát = nghiêm túc sâm nghiêm sát khí…ngắn gọn nhưng nhiều ý nghĩa, không dài dòng lặp từ.

2. Sinh ý nghĩa là buôn bán vì sao tôi vẫn luôn giữ lại chữ sinh ý? Nhưng các bạn không biết rằng, sinh nghĩa là lạ, mà ý nghĩa là mãn ý hài lòng. Sinh ý nghĩa là phục vụ người xa lạ cho đến khi họ hài lòng. Nên với người Hoa, buôn bán không chỉ là làm ăn kiếm tiền mưu sinh nữa mà mang ý nghĩa to lớn hơn.

3. Các độ tuổi như là: hoa giáp, đậu khẩu, cổ lai hi…

4. Các xưng hô: anh nhi, tiểu hài, nữ tử, nam nhân, thiếu phụ, phụ nhân….
Số 3, 4 có thể tìm đọc trong https://bookwaves.com.vn/truyen/tu-lieu-viet-truyen-trung vì tôi có ghi rất rõ, từng loại xưng hô dùng cho dạng độ tuổi nào.

5. Hòa ly = ly hôn trong hòa bình; hưu thê = bỏ vợ. Nhiều bạn dịch hết thành ly hôn là sai hoàn toàn luôn ý. Ly hôn là từ của hiện đại, và bao hàm mọi trường hợp. Cổ đại chỉ có thể hai bên đều đồng thuận hoặc bên nữ bị bỏ mà thôi. Có nhiều truyện Trung hiện nay có thêm hưu phu(bỏ chồng) nhưng cổ đại xác thực không có bỏ chồng. Ở cuối nhà Thanh mới có một vị phi tần bỏ chồng là do tiếp xúc với văn hóa Tây phương mới có. Còn 1 cái nữa đó là hạ đường cái này thì bên nữ có thể chủ động nhưng không có nghĩa là chồng xấu bả bỏ mà là cầu chồng bỏ mình.

6. Cự hôn, lui hôn, thối hôn, hối hôn. Cự hôn là cự tuyệt ngay lúc đề nghị đính hôn. Lui hôn, thối hôn, hối hôn là sau khi định thân, một trong hai bên hoặc cả hai bên đổi ý muôn hủy mối hôn sự đó.

7. Xưng hô tướng công là dành cho nhà bình thường khi gọi chồng, phu quân là dành cho người trong nhà quan gọi chồng. Các loại xưng hô đều thể hiện được địa vị, thân phận của người nói và người được xưng, thậm chí còn là thời kỳ thời đại nữa thế nên tôi cũng sẽ không thay đổi những thứ này.

8. Các chữ a, nha, nga, ân… tôi vẫn để vì nó là khẩu âm khi nói chuyện của người TQ. Nếu chỉ vì chuyển ngữ mà bỏ nó đi thì nó thành của VN rồi không còn khẩu vị Trung nữa.

9. Ly, trản, chén. Ly và trản chỉ có người giàu hoặc có địa vị mới dùng, còn chén là những người nhà nông hoặc mấy chỗ như tiêu cục, phỉ ổ. Còn ở VN thì miền Bắc gọi bát trà và uống bằng chén, trong Nam thì gọi ly trà. Mấy cách gọi nhỏ thế thôi mà đã có thể biết được nhân vật trong truyện là người nơi nào, hoặc tác giả là người nơi nào.

10. Đại nhai – đại lộ; nhai = đường; hạng = hẻm; hồ đồng = ngỏ ngách. Đây là từ dùng thời cổ luôn, hiện đại không dùng nữa. Bắt đầu từ thời dân quốc mới dùng từ lộ nghĩa là đường. Các bạn ai cũng dịch đường hết thì không đúng hen.

11. 熟人(thục nhân), 认识的人 (nhận thức đích nhân) đều được dịch là người quen nhưng thục nhân là người quen thuộc, còn cái sau là chỉ biết, chỉ quen nhưng không thân thuộc. Nhiều dịch giả gộp chung hết luôn.

12. Ý cười(tiếu ý), hàn ý… mấy chữ này thuộc dạng là nhìn vào cảm thấy được nhưng thực tế mắt lại không nhìn thấy.

13. Tiểu. Chữ này dịch là nhỏ. Nhưng nếu hợp với tên thì phải giữ lại. Ngoài ra còn có một loại nữa là tiểu đại nhân. Ý nói một ông cụ non. Mà cổ đại Trung tự dưng dịch ông cụ non kỳ quá, đôi khi tôi rất phân vâng nên dịch người lớn nhỏ, hay giữ nguyên tiểu đại nhân cho mọi người dễ hiểu.

14. Mấy từ láy như: Manh đát đát, sỏa hề hề, nhuyễn hồ hồ, hung ba ba, cấp hống hống, toái toái niệm, cô linh linh, phiên phiên nhiên…nghe nó hay hay hay nên tôi cũng không muốn đổi.

15. Thơ văn đọc Hán Việt hay hơn, mà dịch thơ khó lắm nên tôi cũng sẽ không dịch ra. Nếu tìm được bản dịch hay thì đưa lên không thì thôi.

16. Sỏa nựu = cô bé ngốc; nha đầu = chỉ những cô gái chưa cập kê cột tóc hình chữ nha; hoàng mao tiểu tử = nhãi ranh, nhóc con; lão đầu tử, lão x đầu = ông lão, ông x nhưng đây gọi theo kiểu dân dã; lão gia tử cũng cùng nghĩa với trên nhưng dành cho tầng lớp cao và trí thức hơn; lão tử = ông đây; lão nương = bà đây;… mấy từ này là từ đặt trưng khi gọi người của từng vùng nên đôi khi tôi giữ nguyên luôn chứ không đổi.

17. Liễm đồng nghĩa với thu nhưng mà thu dùng cho biểu tình lẫn vật, nhưng liễm chỉ dùng cho biểu tình. Thường tôi hay để liễm tiếu ý, liễm đắc ý vì cảm thấy nó nho nhã hơn thu ý cười, thu đắc ý.

18. Bất đồng = khác, vì để tránh lặp từ nên tôi thường dùng bất đồng hơn. VD bất đồng với người khác thay vì khác với người khác; bất đồng là thay cho khác nữa là…

19. Minh bạch, đại bạch đều mang nghĩa rõ ràng nhưng minh bạch là cấp độ 100%, đại bạch là trên 100%.

20. Nói = nói chuyện, kể = kể chuyện, tụng = tụng kinh mọi người đều biết rồi ha. Nhưng còn mấy trường hợp sau: Xướng = hát nhưng cũng có thể là xướng thánh chỉ, hoặc xướng đọc như thái giám báo hoàng đế tới. Đọc là ra tiếng. Xem là không ra tiếng, cũng có thể là lướt qua chứ không lưu ý. Niệm là đọc từ trong tim, luôn hiện hữu. Cái này bên Phật giáo họ sẽ nói rõ hơn nè. Túm lại là niệm thì chuyên tâm hơn 2 cái trên.

21. Các cách xưng hô người xuất gia trong cửa Phật (đây là của pháp sư Tịnh Không dạy tôi xem trên tiktok): hòa thượng phổ biến nhất nghĩa là thầy của tôi thực sự dạy tôi mới được gọi là hòa thượng, kiểu như VN gọi là sư thầy vậy đó, nói ngắn gọn lại thì là giáo sư hướng dẫn. Nếu đó là người xuất gia, hoằng pháp lợi danh bên ngoài nhưng chưa từng dạy tôi, tôi không thể gọi họ là hòa thượng được mà phải gọi là pháp sư, là a sà rê(阿闍梨-có nghĩa là muôn hạnh của người đó là tấm gương của tôi, là mô phạm của tôi, nhưng lại chưa từng dạy). (Thầy Pháp Hòa giảng): Trụ trì là người giữ cái chùa đó nhưng không phải là chủ chùa, chùa không có chủ, chỉ có người giữ nơi đó tạm thời mà thôi. Người tu tại nhà gọi là cư sĩ tại gia. Ngoài ra ở trong Tây Du Ký còn gọi trưởng lão nữa. Còn có cách gọi trụ trì là phương trượng.

22. Xem tướng, tính mệnh = coi tướng coi bói. Thường mọi người không hiểu sẽ dịch hết thành coi bói thế nhưng khác nhé. Xem tướng là nhìn mặt, chỉ tay, tướng đi,…để đoán số mạng của một người. Mọi người biết đó, tâm sinh tướng nên đôi lúc không phải người ta xem không đúng mà do tâm tính suy nghĩ thay đổi vận mạng cũng sẽ thay đổi theo. Còn tính mệnh là coi bói, bói bài, bói rùa, bói trà, tử vi…cái này có giả có thật, nhưng chỉ có các thế lực siêu nhiên mới có thể giải thích được, tôi là phàm phu tục tử như mọi người nên không biết hen. Xem tướng có cách giả giải là tự thay đổi; tính mệnh thì dùng bùa bảo bình an. TQ cổ đại, người xem tướng sẽ không tính mệnh vì họ biết nhưng họ không làm, như các bậc thánh hiền, các vị tăng ni đạo sĩ sẽ biết xem. Người tính mệnh sẽ xem luôn tướng; vì trước khi học tính mệnh sẽ phải học xem tướng trước, đây là môn học ở cổ đại nằm trong sách của các bậc thánh hiền, ví dụ như Dịch Kinh. Vì thế người ta thường tôn xưng là tính mệnh tiên sinh. Còn được mời vào cung phụng sự gọi là quốc sư, trong phim hay thấy hen. Vậy nên khi dịch truyện chuyển ngữ tôi sẽ dịch ra rất rõ, hy vọng các bạn hiểu ý tôi, không phải tôi lậm Hán Việt hay lười dịch đâu.

23. Cách gọi một nửa kia của thời xưa, tuy cũng cùng ý nghĩa nhưng mỗi thời đại, mỗi loại quan hệ, giai cấp xã hội sẽ khác. VD: Lão bạn – gọi vợ chồng lúc về già ở hiện đại, hoặc người bạn đời nhưng không có kết hôn ở cạnh nhau khi về già; tương hảo – chưa kết hôn nhưng cặp kè như bạn trai bạn gái trong thời dân quốc, dù cho nam hoặc nữ đã kết hôn nhưng người quan hệ thân mật ngoài luồng với họ cũng được gọi như thế; bạn lữ, đạo lữ, tình lữ, phối ngẫu, quan phối mấy cái này thì bạn nào mê tiểu thuyết đều hiểu rồi hen…

24. Vận mệnh số mệnh khác nhau nhưng thường các bạn hay dịch làm một. Vẫn mệnh là việc đã tạo trong đời quá khứ dẫn tới quả báo phải nhận trong đời này. Do mình tạo không liên quan đến người khác, vì thế tự mình có thể sửa bằng cách không tạo ác, chỉ tạo thiện thì vận mệnh sẽ thay đổi. Số Mệnh là sự xác định trạng thái hoàn cảnh trong một giai đoạn diễn ra ở thời điểm nào đó của bản thân con người được đề cập tới.

25. Những lúc họ chơi chữ thì chỉ có dùng Hán Việt mới đọc thuận miệng và hiểu được thôi. VD: Đối thực, độc thực. Đối thực là thái giám và cung nữ kết thân. Độc thực là ăn một mình.

26. Điện = nơi hoàng đế ở; cung = nơi phi tần ở; phủ = nơi quý tộc ở; trạch – nơi tài chủ ở; nhà = nơi bách tính ở; Ngụ(寓)= ở lâm thời; hộ = cực kỳ đơn giản nghèo nàn lạc hậu thô sơ xấu xí; Đình = một nơi nhỏ có mái che, không có tường để người nghỉ ngơi VD như lương đình dùng để hóng gió, nghỉ chân; Hiên = là một cái đình nhưng có cửa có cửa sổ và gần nước; Tạ = xây ở gần nước có mặt vươn ra ngoài nước VD như thủy tạ; Phường = ba mặt giáp nước có ngoại hình như chiếc thuyền; Lang = thông đạo(con đường đi thông) nối liền những kiến trúc VD hành lang; Đài = những nơi nhỏ như đình nhưng không có mái che, cao hơn khỏi mặt đất phải dùng bậc thang đi lên, có tính mở rộng, sân khấu cũng được gọi là đài, bàn phẫu thuật, bàn pháp y kiểm tra thi thể cũng được gọi là đài. Trọng thất = kiến trúc có một tầng trở lên và có phòng(ốc); Lầu/lâu = trọng thất bên trong có một hoặc hai mặt có cửa sổ, lầu nhiều tầng, xây trên đất bằng và ai cũng có thể xây(kiểu nhà lầu 2 mặt tiền). Các = trọng thất xây từ trên đài, bốn mặt đều có cửa sổ, chỉ có hoàng thân quý tộc mới được xây. Đường = một cái phòng để dùng chung VD từ đường, sảnh đường, trì đường, ngư đường, trai đường; Thất = không gian hậu đường để cho người nghỉ ngơi; Phong = nơi ở hai bên đông tây của thất, mọi người đọc truyện hay thấy trong ốc có ngọa thất hai bên chính là nhĩ phòng nghĩa là 1 nhà chính và hai gian phòng phụ ở hai bên; Viên/viện = một cái sân trồng hoa, có thể có phòng ở có thể không có; Sương = nằm ở hai bên trong viện, nam chủ đông sương, nữ chủ tây sương nên có bộ Tây Sương Ký đó; Uyển, cư, trai = đều chỉ nơi chốn, nếu tìm được tư liệu tôi sẽ bổ sung. Mấy cái này mọi người tìm hình xem sẽ dễ hiểu hơn là tôi giải thích bằng chữ. 

27. Nhà giàu của giới TQ cổ đại ở chung nhiều thế hệ ở một nơi gọi là phủ hoặc trạch tử/trạch để. Một phủ như thế chia có nhiều loại thể hiện cấp độ giàu(viện tử nhất tiến, nhị tiến/lưỡng tiến, tam tiến,…)mỗi chi là một viện, trong viện có nhiều gian nhà, một gian nhà gồm một phòng chính(chủ ở) và hai nhĩ phòng(người hầu ở hoặc làm kho, có người dùng để làm phòng tắm, WC=tịnh thất, tịnh phòng, cung phòng, có người thì để mấy cái đó trong phòng luôn. Nhà nghèo thì xây một chỗ riêng cho nó gọi là mao xí), trong cái phòng đó sẽ chia ra, giữa là thính(tiếp khách, ăn uống,…), một bên là thư phòng, một bên là ngọa thất. Mà trong phòng chia ra, gọi là nội thất vào ngoại thất. Nội chỉ ngủ, trang điểm, nhiều lúc có tắm, WC. Ngoại thì có thính, có thư phòng. Xá = khu tập thể như tịnh xá, ký túc xá…Nó phân chia nhiều lắm nên thường tôi sẽ để luôn.

28. Mấy ông bà xuyên việt về mà theo ngành y hay chế tạo pháo rồi có hệ thống lấy được thuốc ở hiện đại về…thường sẽ đọc tên của các nguyên tố hóa học, tên dược liệu, các loại thuốc tây y. Nếu dẫn truyện hay tự nói với bản thân thì tôi dịch vẫn sẽ dùng chữ latinh, nhưng nếu nói với người cổ đại tôi buộc lòng để Hán Việt. Bởi TQ học không gọi heli oxi đâu mà có cách đọc riêng cho chúng nó.

29. Chờ và hầu/hậu. Bạn nào cũng dịch là chờ hết nhưng sai nha. Chờ nghĩa là đợi, có thể chờ bạn tới rồi đi chơi, chờ con tan học…Hầu cũng là chờ nhưng chờ này là chờ sai việc. Đều dành cho cấp dưới hầu cấp trên.

31. Ám sát = âm thầm giết người, đa phần diễn ra vào ban đêm, ở chỗ vắng người. Thích sát = giết người kiểu đột kích, có sáng có tối, có ở nơi đông người cũng có ở nơi vắng người. Vậy mà ai cũng dịch ám sát hết là sai quá sai luôn hen.

32. Hiện đại dùng thẻ từ, thẻ chip, mã QR, mã vạch. Nhưng cổ đại làm gì có, trung đại chỉ là tờ giấy thôi gọi ‘chứng(từ)’ chứ không thể dịch là thẻ được. VD: Thân phận chứng/chứng minh thư/văn điệp = CMND/CCCD, hội viên chứng/chứng từ hội viên = thẻ hội viên/member card. Hộ tịch = hộ khẩu. Lộ dẫn gần như hộ chiếu vậy, hộ chiếu dùng để ra nước ngoài, ở cổ đại thì lộ dẫn dùng để đi từ châu phủ tỉnh thành này đến châu phủ tỉnh thành, vẫn phải xin rất phiền phức và rất khó. Ngoài ra, lộ dẫn nó có chút xíu giống visa đó là nếu như lên kinh thành thi cần có lộ dẫn kinh thành, thi xong(mà rớt hoặc đậu nhưng phải nhận chức ngoài kinh) phải rời kinh chứ không được ở luôn. Cho nên tất cả đều nói lên bộ truyện đó thuộc thời đại nào, đương nhiên mấy triều đại cũng có cách gọi khác nữa nhưng tôi không tìm hiểu nên không biết, đơn giản chia ra cổ đại, trung đại, hiện đại thôi hen.

33. Bị bệnh thường có nhiều cách diễn tả như mắc bệnh, bị bệnh, nhiễm bệnh, sinh bệnh mà tôi thường dịch sinh bệnh. Vì sao? Sinh là tự mình tạo ra, tự sinh từ trong thân thể ra. Mắc, nhiễm, bị đều là từ bên ngoài tới. Cái này bạn nào học Phật sẽ hiểu rõ hơn nè. 

34. Tiên sinh nghĩa là người sinh trước tôi. Dù là TQ hay Nhật Bản thì cho đến hiện tại vẫn còn đang dùng từ này để tôn xưng những bậc có học thức. 

35. Giường/sàng và kháng đều dùng để nằm nhưng giường/sàng là người phía nam nằm, cũng như giường bình thường mình thấy thôi. Kháng thì khác, nó được xây bằng đá, bên dưới gầm đục rỗng để đốt than hoặc long địa để sưởi ấm. Ngoài ra kháng còn có kháng trác/trác kháng nghĩa là cái bàn nhỏ để trên kháng mà giường thì không có, ngược lại có đầu giường để đặt đồ.

36. Anh chị em họ. Cái này thấy nhiều bạn biết rồi nhưng hôm qua tôi mới bị hỏi vì thế phải thêm vào. Ở TQ, họ hàng chia làm hai loại: đường và biểu. Đường là cùng họ và không thể kết hôn. Biểu là khác họ và có thể kết hôn. Vì nước phù sa không chảy ra ruộng người ngoài, thân càng thêm thân nên TQ cổ đại đều thích kết hôn cận huyết để giữ tài quyền. Các bạn thuần Việt đường biểu gì đều dịch họ hết nên có một số độc giả không hiểu được.

37. Ngọa tào, sát, oa sát… là một dạng khẩu âm có thể dịch là, wow, móa nó, chóa móa, cái méo gì, đậu xanh rau muốn, con mẹ nó, vãi, khỉ thật, quỷ tha ma bắt(nếu là truyện trung cổ Tây Âu)… Nhưng lưu ý, các bạn không nên dịch thành chết, chết mọe, chết tao…nói chung ở TQ nếu không phải sắp lâm chung sắp chết thật thì họ không bao giờ dùng dùng từ chết để chỉ cho mình. Mấy từ này đa phần tôi không dịch vì mấy năm trước là chưa tìm được từ thay thế, mấy năm gần đây do thói quen + lười. Vì thế cái này thành thật xin lỗi độc giả.

38. Mọi người đều dịch mục dục là tắm rửa thực tế không hẳn nha. Dục = tắm, mục = gội đầu. Nếu nếu mục dục đi chung là tắm gội luôn, còn chỉ dục thôi thì tắm cái thân thôi à. Người cổ đại rất ít gội đầu, 1 là cực (vì 1 nùi tóc to dày dài), 2 là nguồn nước có hạn lấy nước nấu nước cũng cực, 3 không có thời gian. 

39. Tam tư ai cũng dịch là nghĩ lại nhưng tôi luôn giữ nguyên. Vì sao? Bởi vì tam tư = nghĩ lại nhưng nghĩ lại cái gì? Nghĩ lại 3 thứ: 

– Tư nguy: nghĩ tới nguy hiểm, nguy cấp. Biết nguy hiểm rồi thì có thể tránh né, phòng bị.

– Tư thối: nghĩ tới lui lại. Tránh đến nơi người ta không thể chú ý mình, đây chính là tư thối.

– Tư biến: nghĩ tới biến hóa. Lui xuống là để chờ cơ hội, lại chậm rãi nghĩ, từ từ nhìn xem trước kia bản thân đã sai gì. Sau đó phải làm thế nào, đây gọi là tư biến.

Cư an tư nguy, dục tiến tư thối, dục thông tư biến. Như vậy đời người mới có thể được an, được tiến, được lui. Tam tư không phải ngu được ngu mất, mà là một loại thái độ nhân sinh tòng dung, trí tuệ, cực kỳ lạc quan

40. … còn rất nhiều VD nữa tôi không thể nào liệt kê hết được. Nên nếu trong lúc có chỗ nào mọi người không hiểu cứ cmt hỏi, tôi sẽ giải thích. Có một số cái từng xuất hiện trong truyện cũ đã dịch qua nên tôi sẽ không ghi chú lại nữa. Hiện tại tôi đang cố gắng chỉnh lại phần bình luận sao cho thuận lợi với mọi người nhất. Mọi người chờ tôi nhé, tôi không phải IT nên tất cả đều cần tài chính để chỉnh sửa.

Như tôi đã nói phía trên tôi thích cổ đại Trung, nhưng dạo này có vài bộ khác rồi. VD: Bộ [Cha Hôm Nay Ngươi Đã Đọc Sách chưa], tuy là cổ đại nhưng nữ chủ xuyên không, tác giả viết theo kiểu cách hiện đại nên tôi cũng sẽ đổi chút hiện đại vào trong. Bộ [Thiếu Soái Mỗi Ngày Đều Đang Ghen] thì thuộc loại trung đại, vì thể tôi chơi Đông Tây kết hợp. Tóm lại là mỗi thể loại, mỗi văn phong của tác giả tôi sẽ có cách dịch khác nhau, nhưng chủ yếu tôi vẫn thích cổ đại hơn hen. Chuyện là vậy đó!!!

PS: Bạn nào muốn làm tác giả, dịch giả phi lợi nhuận cho Bookwaves thì đăng ký thành viên, sau đó gửi email tới địa chỉ bookwaves@outlook.com.vn để tôi phân quyền là được.

Trước đó các bạn vui lòng đọc kỹ 2 link dưới đây, tránh không được duyệt truyện hoặc del add nhé.

https://bookwaves.com.vn/truyen/nhat-ky/noi-quy-thanh-vien-tac-gia-dich-gia/reading/

https://bookwaves.com.vn/truyen/nhat-ky/cac-the-loai-truyen-duoc-ap-dung-trong-bookwaves/reading/

Còn độc giả thì chỉ cần đăng ký thành viên thôi, để có thể thoải mái tương tác với tác giả, dịch giả và các độc giả khác, đồng thời có thể theo dõi truyện bạn đang đọc, tránh bỏ sót khi có bão chương.

HOAN NGHÊNH MỌI NGƯỜI GIA NHẬP BOOKWAVES